IBM mua công ty Red Hat 34 tỷ USD trong thương vụ thâu tóm lịch sử

Ngày 28/10, tập đoàn IBM đã thông báo sẽ mua lại công ty phần mềm nguồn mở Red Hat với giá 34 tỷ USD, trong thương vụ thâu tóm lớn nhất mà IBM từng thực hiện.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Ngày 28/10, tập đoàn IBM đã thông báo sẽ mua lại công ty phần mềm nguồn mở Red Hat với giá 34 tỷ USD. Thỏa thuận này sẽ giúp hãng công nghệ khổng lồ mở rộng phạm vi tiếp cận sang lĩnh vực điện toán đám mây cho doanh nghiệp.

Được thành lập năm 1993, Red Hat được biết đến là nhà cung cấp phần mềm nguồn mở và dịch vụ hàng đầu cho khách hàng doanh nghiệp, tập trung vào điện toán đám mây và máy chủ Linux. Vào năm 2012, Red Hat trở thành công ty cung cấp phần mềm nguồn mở đầu tiên vượt qua doanh thu 1 tỷ USD. Công ty này có trụ sở ở Raleigh, North Carolina (Mỹ).

[Microsoft hoàn tất thương vụ 7,5 tỷ USD thâu tóm kho mã nguồn GitHub]

IBM, hiện có giá trị vốn hóa thị trường là 114 tỷ USD, sẽ mua lại Red Hat với giá 190 USD/cổ phiếu.

Sau khi sáp nhập, Red Hat sẽ trở thành một phần của bộ phận Hybrid Cloud thuộc IBM.

Trong thông cáo báo chí, IBM cho biết việc mua lại Red Hat sẽ cho phép hãng mở rộng các dịch vụ điện toán đám mây của mình.

Theo Reuters, đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất mà IBM thực hiện. Thương vụ này sẽ giúp IBM bắt kịp với các doanh nghiệp điện toán đám mây doanh nghiệp của Microsoft và Amazon, cũng như tăng doanh thu từ thuê bao của Red Hat.

Thương vụ trên là một ví dụ cho thấy các hãng công nghệ lớn, "lão làng" đang mở rộng quy mô, phạm vi kinh doanh và sức cạnh tranh thông qua các thương vụ thâu tóm, sáp nhập, đặc biệt trong lĩnh vực điện toán đám mây, khi các khách hàng sử dụng phần mềm doanh nghiệp tìm cách tiết kiệm chi phí bằng cách thu hẹp danh sách nhà cung cấp dịch vụ.

Mới đây, Microsoft đã hoàn tất thương vụ thâu tóm kho ho dữ liệu mã nguồn hàng đầu thế giới GitHub với giá trị thương vụ 7,5 tỷ USD. GitHub là một kho lưu trữ mã nguồn khổng lồ, phổ biến cho các nhà lập trình và các công ty công nghệ lưu trữ các dự án, tài liệu và mã nguồn. Apple, Amazon, Google và nhiều công ty công nghệ lớn khác đều đang sử dụng GitHub./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục