IBM triển khai chương trình máy tính lượng tử tiên tiến ở châu Phi

IBM đã giới thiệu chương trình máy tính lượng tử tại châu Phi thông qua công bố mối quan hệ hợp tác với Đại học Witwatersrand và sẽ mở rộng tới 15 trường đại học khác ở 9 quốc gia thuộc châu lục.
(Nguồn: The Guardian)

Ngày 12/6, IBM đã giới thiệu chương trình máy tính lượng tử tại châu Phi thông qua công bố mối quan hệ hợp tác với Đại học Witwatersrand - đại học danh tiếng hàng đầu của Nam Phi và sẽ mở rộng tới 15 trường đại học khác ở 9 quốc gia thuộc châu lục.

Theo phóng viên TTXVN tại miền Nam châu Phi, hãng IBM đã giới thiệu hệ thống lượng tử IBM Q, sử dụng các bit lượng tử (qubit) cho phép xử lý thông tin vượt xa khả năng của các siêu máy tính thông thường không dựa trên hệ thống lượng tử.

Được ra mắt vào đầu năm 2019, IBM đánh giá các hệ thống IBM Q có khả năng giải quyết các vấn đề được cho là quá phức tạp, theo cấp số nhân mà các hệ thống cổ điển chưa thể xử lý hiệu quả và hệ thống IBM Q với các ứng dụng sẽ là tương lai của hệ thống dữ liệu tài chính bởi khả năng giảm thiểu rủi ro tài chính toàn cầu và tối ưu hóa hậu cần-chuyển tải.

Phó Chủ tịch Bộ phận nghiên cứu IBM tại châu Phi Solomon Assefa cho biết nền tảng hoạt động của hệ thống Q không chỉ dựa trên số hóa của 0 hoặc 1, mà có thể tồn tại phức hợp các trạng thái 0 hoặc/và 1 tạo ra đơn vị thông tin lượng tử số hóa, giúp IBM Q có khả năng trở thành siêu máy tính của tương lai nhờ khả năng xử lý thông tin phức hợp ở cấp số nhân.

IBM Q sẽ mở rộng hoạt động ra ngoài trụ sở chính tại New York, Mỹ và cho phép truy cập từ các trường đại học ở châu Phi thuộc chương trình liên kết thông qua dịch vụ đám mây.

[Chủ tịch IBM: AI sẽ thay đổi 100% việc làm trong thập kỷ tới]

IBM tin rằng hệ thống Q sẽ mang lại những tiến bộ nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực như khám phá thuốc tân dược dựa trên sự đa dạng di truyền của châu Phi, đưa các phương pháp điều trị mới cho các bệnh như HIV hoặc lao. IBM sẽ tập trung triển khai Q châu Phi theo hướng này tại Ethiopia, Ghana, Kenya, Nigeria, Rwanda, Senegal, Nam Phi, Tanzania và Uganda.

Phó Chủ tịch Chương trình nghiên cứu IBM tại châu Phi cũng dự đoán triển vọng áp dụng hệ thống Q châu Phi trong các lĩnh vực tài chính, khai thác và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Theo ông Assefa, trong từ 5 đến 10 năm tới, IBM Q sẽ có tác động lớn tại châu lục, nhưng châu Phi có thể áp dụng hệ thống tiên tiến vượt trội này ngay từ bây giờ với những bước đột phá về ứng dụng và nghiên cứu công nghệ này hứa hẹn sẽ mang lại.

Đại học Witwatersrand (thường được biết đến với tên gọi Wits) sẽ quản lý quyền truy cập vào hệ thống Q của 15 tổ chức giáo dục châu Phi khác, trong đó có Đại học Addis Ababa (Ethiopia), Đại học Nairobi (Kenya) và Đại học Lagos (Nigeria).

Theo kế hoạch, IBM sẽ tổ chức hội nghị của khoảng 200 nhà khoa học máy tính sử dụng hệ thống Q vào tháng 12 tới tại Johannesburg, Nam Phi.

Đây là phần mở rộng thuộc Chương trình nghiên cứu IBM tại châu Phi - vốn được ra mắt ở Kenya vào năm 2013, mở rộng đến Nam Phi năm 2016 và nhiều chương trình đối tác tại châu Phi, trong đó có hợp tác về công nghệ chuỗi khối.

IBM cũng cung cấp dịch vụ tư vấn và kinh doanh thương mại rộng lớn ở châu Phi, tạo địa bàn triển khai ứng dụng các hoạt động nghiên cứu tập đoàn này. Các hoạt động trên sẽ tạo tiền đề để IBM phát triển các máy móc thương mại ứng dụng hệ thống Q tại châu Phi trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục