IBM ứng dụng công nghệ mới ngăn nạn buôn bán thuốc giả ở châu Phi

Với công nghệ blockchain, các nhà phân phối và bán lẻ thuốc tại Lục địa đen sẽ có quyền truy xuất nguồn gốc chính xác của dược phẩm, qua đó giúp họ phân biệt được hàng giả và hàng thật.
(Nguồn: bitcoinafrica.io)

Tập đoàn máy tính hàng đầu thế giới IBM đang thiết lập một hệ thống kiểm soát sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) nhằm ngăn chặn tình trạng dược phẩm giả đang khiến hàng chục nghìn người chết mỗi năm tại châu Phi.

Với blockchain, các nhà phân phối và bán lẻ thuốc tham gia vào hệ thống này tại Lục địa đen đều có quyền truy xuất nguồn gốc chính xác của dược phẩm, qua đó giúp họ phân biệt được hàng giả và hàng thật.

Phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn nguồn tin từ IBM Research Labs Haifa, phòng nghiên cứu lớn nhất của IBM tại nước ngoài đặt tại Israel, cho biết sau khi hoàn thành việc thiết lập hệ thống trên, IBM sẽ tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với chính phủ các quốc gia châu Phi để triển khai rộng rãi công nghệ blockchain trên toàn châu lục.

Với giải pháp này, những thành viên tham gia vào hệ thống trên sẽ có quyền truy xuất những thông tin chính xác về nguồn gốc của dược phẩm như tên nhà sản xuất, địa chỉ, ngày xuất xưởng.

Mặc dù đây là một giải pháp phức tạp được cấu thành bởi sự liên thông giữa hệ thống máy tính khổng lồ trên toàn thế giới, nhưng người sử dụng chỉ cần tải xuống một ứng dụng trên điện thoại thông minh là có thể biết chính xác nguồn gốc dược phẩm.

[Hàng chục nghìn người châu Phi chết mỗi năm vì thuốc giả tràn lan]

Giải pháp truy xuất nguồn gốc dược phẩm của IBM được xem là sẽ rất hữu dụng tại châu Phi, nơi hiện đang lưu hành một nửa số thuốc giả trên thế giới trong giai đoạn từ 2013-2017.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số lượng thuốc giả thâm nhập vào nhóm các nước nghèo tại châu lục này lớn gấp 30 lần so với các nước giàu.

Báo cáo mới đây do Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và Học viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi (ISS) phối hợp thực hiện, cho thấy riêng loại thuốc chống sốt rét giả và kém chất lượng mỗi năm đã cướp đi sinh mạng của khoàng từ 64.000 đến 158.000 người tại châu Phi.

Ngoài ra tại Nigeria, gần 100 trẻ em đã mất mạng vì suy thận trong một năm do sử dụng loại nước súc miệng được làm từ hoạt chất làm mát động cơ ôtô.

Bên cạnh đó, nạn thuốc giả tràn lan còn gây ảnh hưởng tiêu cực cũng như cản trở sự phát triển của ngành sản xuất dược phẩm tại nhiều nước châu Phi. 

Cũng theo WHO, mỗi năm tội phạm sản xuất và buôn bán thuốc giả toàn cầu thu một khoản lợi trị giá khoảng 200 tỷ USD và trở thành một trong những ngành công nghiệp bất hợp pháp lớn nhất thế giới.

Tổng hợp các nghiên cứu trong giai đoạn 2007-2016 của WHO trên 48.000 mẫu thí nghiệm cho thấy 10,5% số thuốc ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là thuốc giả hoặc không đạt chuẩn.

Như vậy, với việc doanh thu ngành dược phẩm ở các quốc gia này đạt khoảng gần 300 tỷ USD/năm, kinh doanh thuốc giả đem lại lợi nhuận khoảng 30 tỷ USD cho các băng nhóm tội phạm.

Thuốc giả được phân thành hai loại chính: Thuốc không đạt chuẩn do lỗi sản xuất, bảo quản hoặc đã quá hạn sử dụng; thuốc được làm giả, có thể chứa các thành phần hoàn toàn khác so với thuốc thật hoặc thậm chí không có bất kỳ hoạt chất nào giúp chữa bệnh./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục