Lĩnh vực ngân hàng hồi phục với các khoản nợ xấu ít hơn và lượng xuất khẩu tăng vọt sẽ giúp chỉ số GDP của Việt Nam đạt mức tăng mạnh 5,4% trong năm nay.
Và điều này sẽ tiếp diễn một cách mạnh mẽ trong năm 2015 và năm 2016, với chỉ số tăng trưởng kinh tế chạm mốc 5,7%.
Hiệp hội Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) đã nhận định như vậy trong báo cáo mang tên Tầm nhìn kinh tế: Đông Nam Á (Economic Insight: South East Asia) vừa được công bố ngày 7/3.
Theo báo cáo này, đà tăng trưởng mạnh mẽ này phần nào nhờ vào các chính sách nhà nước đang ngày càng trở nên cởi mở hơn với các nhà đầu tư quốc tế, giúp thu hút nguồn vốn vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc tăng chi tiêu Chính phủ, một phần nhờ vào việc tư nhân hóa tài sản nhà nước, cũng được dự kiến sẽ đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
Ông Douglas McWilliams, Nhà Kinh tế trưởng của ICAEW và Chủ tịch điều hành của CEBR cho biết: "Tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam sẽ tăng tốc qua từng năm nhờ vào giá lao động tương đối rẻ so với tình hình khu vực, lực lượng lao động có kỷ luật cùng với các điều kiện nhằm thu hút nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư liên tục được cải thiện. Khi các lợi thế về chi phí này vẫn còn, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ và hấp dẫn các nhà đầu tư."
Nhu cầu về năng lượng sẽ tiếp tục phát triển cùng với sự bùng nổ kinh tế và liên quan đến vấn đề này, Việt Nam sẽ nhanh chóng gia nhập cùng các nước láng giềng ASEAN trong việc trở thành một quốc gia nhập khẩu năng lượng.
Ở nhiều nước ASEAN, nhu cầu về năng lượng đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với cường độ sản xuất trong nước và do đó, việc tiếp tục mở rộng nền kinh tế dẫn đến việc nền kinh tế đó dần trở nên phụ thuộc vào thị trường năng lượng quốc tế nhằm đáp ứng cho nhu cầu năng lượng của mình.
Theo báo cáo Tầm nhìn kinh tế: Đông Nam Á, Chính phủ các nước ASEAN dự kiến sẽ vẫn tập trung vào việc kiềm chế chi tiêu công để giảm mức nợ và tăng sự tự tin nơi các nhà đầu tư trong khu vực.
Đây là lý do chính tại sao các nước như Malaysia và Indonesia liên tục tìm cách cắt giảm các khoản trợ cấp chính trong nỗ lực trấn an các nhà đầu tư tài chính uy tín của họ. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một nguy cơ thực tế rằng trong một thời gian ngắn sắp tới, việc tăng thuế sẽ diễn ra.
"Cân bằng chi tiêu công với ngân sách hợp lý là một điều kiện tối quan trọng đối với Chính phủ các nước ASEAN, đặc biệt là đối với nền kinh tế Mỹ, trong tình hình chính quyền sở tại phải cạnh tranh về vốn với thị trường các quốc gia đã phát triển có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn," ông Mark Billington, Giám đốc khu vực của ICAEW Đông Nam Á chia sẻ./.