Ngày 16/3, Chánh án O-Gon Kwon của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), bày tỏ lấy làm tiếc về việc Philippines quyết định rút khỏi Quy chế Rome về thành lập ICC, cho rằng việc này sẽ gây tổn hại tới các nỗ lực xét xử tội phạm của tòa án có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) này.
Chánh án O-Gon Kwon kêu gọi Philippines cân nhắc lại quyết định trên, tiếp tục ở lại ICC và đối thoại để giải quyết khác biệt thay vì rút khỏi cơ quan này.
Ông cho rằng việc Manila rút khỏi ICC sẽ ảnh hưởng tới các nỗ lực của tòa án quốc tế nhằm trừng phạt thích đáng những kẻ phạm các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại.
Trước đó, cùng ngày, chính quyền Philippines đã gửi thư thông báo lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc về quyết định của nước này rút khỏi ICC.
[Philippines thông báo với Liên hợp quốc kế hoạch rút khỏi ICC]
Đại diện thường trực của Philippines tại Liên hợp quốc Teodoro Locsin cho biết trong một bức thư đề ngày 15/3 gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chính phủ Philippines đã nêu rõ mặc dù rút khỏi Quy chế Rome, Manila cam kết tiếp tục nỗ lực trừng phạt thích đáng những kẻ phạm các tội ác hung bạo.
Chính phủ Philippines nhấn mạnh quyết định rút khỏi ICC thể hiện “lập trường phản đối có nguyên tắc đối với những người chính trị hóa và vũ khí hóa vấn đề nhân quyền.”
Ngày 14/3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố rút Philippines khỏi Quy chế Rome về thành lập ICC. Thông báo trên được đưa ra sau khi tháng Hai vừa qua, ICC thông báo bắt đầu "cuộc điều tra sơ bộ" về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.
Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte đã chỉ đạo tiến hành chiến dịch truy quét tội phạm ma túy trên diện rộng để bảo đảm trật tự xã hội. Cảnh sát Philippines cho biết đã tiêu diệt gần 4.000 nghi phạm trong khuôn khổ chiến dịch này.
Trước đó, ngày 27/10/2017, Burundi đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức rút khỏi ICC.
Động thái này diễn ra đúng một năm sau khi quốc gia Đông Phi này thông báo với Tổng thư ký Liên hợp quốc về ý định rời khỏi tòa án này trong bối cảnh có nhiều cáo buộc rằng tòa án này tập trung chủ yếu các nhà lãnh đạo của "Lục địa Đen."
Cũng trong năm 2017, chính phủ mới của Gambia và Nam Phi đã đảo ngược quyết định rút khỏi ICC./.