ICJ ra phán quyết có lợi cho Chile trong tranh chấp với Bolivia

Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại La Haye (Hà Lan) ngày 1/10 đã ra phán quyết bác bỏ yêu cầu của Bolivia rằng Chile phải có nghĩa vụ đàm phán về một đường ra biển có chủ quyền cho La Paz.
ICJ ra phán quyết có lợi cho Chile trong tranh chấp với Bolivia ảnh 1Tổng thống Bolivia Evo Morales (trái) và người đồng cấp Chile Sebastian Pinera tại cuộc gặp ở Santiago, Chile ngày 26/1/2013. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, với tỷ lệ 12 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại La Haye (Hà Lan) ngày 1/10 đã ra phán quyết bác bỏ yêu cầu của Bolivia rằng Chile phải có nghĩa vụ đàm phán về một đường ra biển có chủ quyền cho La Paz.

Chủ tịch ICJ Abdulqawi Ahmed Yusuf đã đọc bản tóm tắt 8 lập luận pháp lý của Bolivia rằng Chile phải có nghĩa vụ đàm phán, và sau đó cũng trình bầy các cơ sở biện hộ của Santiago.

IJC cũng đồng thời kêu gọi hai bên tiếp tục đối thoại trên tinh thần thiện chí để xử lý những tranh chấp mang tính lịch sử này.

Tổng thống Bolivia Evo Morales đã bay tới La Haye để dự phiên xử này, trong khi người dân Bolivia tập trung tại nhiều điểm trên đất nước để chờ đợi phán quyết của ICJ.

Phản ứng trước phán quyết của ICJ, Tổng thống Bolivia Morales khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ những yêu sách về một đường ra biển chủ quyền, đồng thời cho rằng lời kêu gọi các bên tiếp tục đối thoại để tìm kiếm giải pháp phù hợp là một động lực để La Paz tiếp tục cuộc đấu tranh này.

Trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương (1879-1883), Bolivia đã mất toàn bộ 400 km bờ biển và 120.000km2 các tỉnh giáp biển của mình vào tay Chile.

Trong hiệp ước lập lại hòa bình giữa hai nước ký năm 1904, Chile đảm bảo một đường ra biển có chủ quyền cho Bolivia, đổi lại La Paz phải công nhận chủ quyền của Santiago tại những phần đã mất. Tuy nhiên cho tới nay hai bên vẫn tranh cãi về các điều khoản này.

Tháng 4/2013, Bolivia đã đệ đơn lên ICJ yêu cầu Chile phải đàm phán về một giải pháp cho vấn đề đường ra biển của La Paz, nhưng Santiago đã từ chối công nhận quyền phán quyết của cơ quan quốc tế trên với lập luận vấn đề này đã được giải quyết bằng Hiệp ước 1904, nhưng sau đó đã đồng ý tham gia quá trình tranh tụng.

Do tranh chấp này, Bolivia và Chile không có quan hệ ngoại giao từ năm 1962 (trừ giai đoạn 1975-1978), mặc dù vẫn duy trì Tổng lãnh sự quán của mỗi nước tại Santiago và La Paz./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.