IEA kêu gọi các nước đặt ra cam kết chống biến đổi khí hậu

Theo IEA ngày 15/6, cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các quốc gia chưa đủ để thực hiện mục tiêu giảm lượng khí thải từ năm 2030.
Quang cảnh Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP-20) tại Lima của Peru diễn ra ngày 14/12/2014. (Ảnh: Ảnh:THX/TTXVN)

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 15/6, cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các quốc gia hiện nay chưa đủ để thực hiện mục tiêu bắt đầu giảm lượng khí thải từ năm 2030 và có khả năng nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 2,6 độ C vào cuối thế kỷ 21.

Tuần trước, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G-7) đã đạt được nhất trí và kêu gọi tất cả các quốc gia cùng hành động để bảo vệ khí hậu Trái Đất, trong đó cam kết mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp, giảm từ 40-70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến năm 2050 so với năm 2010.

Những kết quả này được xem là tiền đề để Hội nghị lần thứ 21 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP21), diễn ra tại Paris (Pháp) vào tháng 12 năm nay, đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, theo IEA, đề xuất cắt giảm khí thải bắt đầu từ năm 2020 do các chính phủ đưa ra cho đến nay không thể đáp ứng mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Theo các nhà khoa học, nếu Trái Đất nóng lên quá giới hạn 2 độ C này, tình trạng lũ lụt, hạn hán, bão và nước biển dâng trên thế giới sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

IEA cho biết nếu không có những hành động thiết thực sau năm 2030, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 2,6 độ C vào năm 2100 và thêm 3,5 độ C sau năm 2200.

Cơ quan năng lượng có trụ sở tại Paris này kêu gọi chính phủ các nước thiết lập các điều kiện cụ thể hơn nhằm mục tiêu đưa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sớm đạt mức cao nhất và bắt đầu giảm dần sau đó, đồng thời tái xem xét các cam kết của họ theo thời hạn 5 năm/lần.

IEA cho biết lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu có thể đạt mức cao nhất vào năm 2020 và bắt đầu giảm dần sau đó, nếu các nước nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cấm xây dựng các nhà máy sản xuất điện mới sử dụng than, tăng cường đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo từ 270 triệu USD trong năm 2014 lên 400 tỷ USD trong năm 2030, giảm lượng khí thải metan và xóa bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030.

Theo chiến lược này, sản lượng tiêu thụ than đá toàn cầu sẽ đạt mức đỉnh trước năm 2020 và giảm dần sau đó, nhu cầu dầu mỏ cũng tăng đến năm 2020 và sau đó sẽ đi xuống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục