Lãnh đạo và nhân viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã quyên góp 2 tỷ Rupiah (tương đương hơn 131.000 USD) hỗ trợ những nạn nhân còn sống sót sau thảm họa động đất, sóng thần ở tỉnh Trung Sulawesi cũng như những nạn nhân vụ động đất ở Lombok, Tây Nusa Tenggara.
Tổng Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde, cho biết cơ quan này sẽ trực tiếp chuyển số tiền trên đến Hội Chữ thập đỏ Indonesia (PMI) và một số tổ chức phi chính phủ khác như World Central Kitchen và World Vision.
Cùng với IMF, các tổ chức tài chính, tiền tệ của Indonesia cũng đang tiến hành nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ các nạn nhân trong thảm họa vừa qua.
Cùng với Bộ Điều phối hàng hải Indonesia, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã quyên góp được 500 triệu Rupiah để ủng các nạn nhân nói trên.
Phát biểu ngày 8/10 tại Nusa Dua, Bali, nơi sẽ diễn ra các cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), Thống đốc BI Perry Warjiyo cho biết số tiền này sẽ được sử dụng để tu sửa 5 nhà thờ Hồi giáo và 2 trường học ở Lombok bị hư hại nặng sau động đất.
[Gần 2.000 người đã thiệt mạng sau động đất-sóng thần tại Indonesia]
BI cũng đang xây dựng các nhà cửa, phòng cầu nguyện, trung tâm thông tin, trung tâm tư vấn, đồng thời đẩy mạnh hoạt động phân phát các nhu yếu phẩm cơ bản cho những người sống sót sau các trận động đất liên tiếp ở Lombok hồi tháng Tám vừa qua.
Bộ Điều phối hàng hải Indonesia cũng đã quyên góp được 500 triệu Rupiah để hỗ trợ nạn nhân vụ động đất ở Lombok. Ngoài hỗ trợ tiền mặt, bộ này còn ủng hộ 241.000 bộ đồng phục cho học sinh tiểu học tại đây.
Hàng loạt vụ động đất liên tiếp xảy ra hồi tháng Tám vừa qua ở đảo du lịch Lombok đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và khiến hòn đảo nào đứng trước nguy cơ thảm họa nhân đạo.
Đến ngày 28/9, tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia đã liên tục hứng chịu 2 trận động đất mạnh, làm rung chuyển cả khu vực. Các trận động đất này gây ra sóng thần cao tới 6 m, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, mất tích.
Thảm họa này cũng đã phá hủy nhiều nhà cửa và công trình xây dựng trong khu vực.
Indonesia nằm trên "Vành đai Lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm, nên thường xuyên đối mặt với động đất và núi lửa.
Năm 2004, sóng thần sau trận động đất 9,3 độ ngoài bờ biển Sumatra, phía Tây Indonesia, đã làm 220.000 người ở các nước quanh Ấn Độ Dương thiệt mạng, trong đó có 168.000 người tại Indonesia./.