Trong báo cáo mang tên “Triển vọng Kinh tế Thế giới” công bố ngày 6/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm nay từ mức 3,1% trước đó xuống còn 2,7% với lý do xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này đang ở trong tình trạng trì trệ trong khi tiêu dùng nội địa vẫn yếu ớt.
Theo IMF, các vấn đề của nền kinh tế Hàn Quốc cũng tương tự như tình hình của một số nền kinh tế khác như Đài Loan (Trung Quốc), các nước thuộc ASEAN và một số nền kinh tế phát triển.
Các số liệu thống kê của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy xuất khẩu hàng hóa của nước này trong 9 tháng qua đã giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi chi tiêu cá nhân, một yếu tố rất quan trọng đối với tăng trưởng, cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề của sự bùng phát của Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông bắt đầu từ cuối tháng 5/2015.
Mức dự báo của IMF đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay của Hàn Quốc thấp hơn mục tiêu 3,1% mà Chính phủ nước này đã đặt ra và cũng thấp hơn mức 2,8% do Ngân hàng trung ương Hàn Quốc dự đoán.
Nhiều cơ quan nghiên cứu khác của Hàn Quốc cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này xuống mức 2,5%
Đầu năm nay, IMF dự đoán Hàn Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 3,7% trong cả năm, tăng so với con số 3,3% được ghi nhận trong năm 2014. Tuy nhiên, mức dự đoán này đã bị hạ xuống còn 3,3% và 3,1% lần lượt trong các tháng Tư và tháng Bảy vừa qua.
Đối với năm 2016, báo cáo lần này của IMF dự báo kinh tế Hàn Quốc cũng sẽ chỉ tăng trưởng 3,2%, thấp hơn so với mức 3,5% được đưa ra hồi tháng 7/2015.
Bản báo cáo của IMF cũng nhận định nền kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3,1% trong năm nay, thấp hơn so với mức 3,3% mà tổ chức này đưa ra cách đây 3 tháng do tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển đang tỏ ra đáng thất vọng trong khi tình hình tại các thị trường mới nổi vẫn chưa có bước cải thiện rõ rệt.
Theo IMF, các nền kinh tế phát triển ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đang dần có những bước cải thiện nhưng nhiều thị trường mới nổi hiện đang phải vật lộn với tình trạng giá dầu thô và hàng hóa thấp và môi trường kinh doanh không thuận lợi.
Tổ chức quốc tế này khuyến cáo các nước ưu tiên hàng đầu cho việc phát huy tiềm năng tăng trưởng, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế phát triển duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.
Đối với các nền kinh tế mới nổi, IMF kêu gọi thực hiện các nỗ lực tái cơ cấu rộng rãi nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh toàn diện song song với các nỗ lực đối phó với các nguy cơ suy thoái./.