Indonesia bắt giữ nhiều phần tử thánh chiến âm mưu khủng bố

Các đối tượng bị bắt giữ gồm 17 tên có dính líu trực tiếp đến các vụ tấn công ở Jakatar hồi tháng trước, trong khi 16 tên còn lại thuộc ba nhóm cực đoan khác.
Indonesia bắt giữ nhiều phần tử thánh chiến âm mưu khủng bố ảnh 1Cảnh sát Indonesia làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ tấn công Jakarta ngày 14/1 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/2, cảnh sát chống khủng bố Indonesia đã bắt giữ 33 đối tượng thuộc các nhóm Hồi giáo cực đoan đang âm mưu tấn công sân bay và các mục tiêu khác tại nước này.

Theo Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Indonesia Badrodin Haiti, các đối tượng bị bắt giữ gồm 17 tên có dính líu trực tiếp đến các vụ tấn công ở Jakarta hồi tháng trước, trong khi 16 tên còn lại thuộc ba nhóm cực đoan khác.

Tướng Haiti cho biết một nhóm do phần tử cực đoan tên là Hendro Fernando cầm đầu đã nhận được 1,3 tỷ rupiah (tương đương 97.000 USD) từ Jordan, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tiết lộ nhóm này có âm mưu tấn công sân bay lớn của Jakatar và trụ sở cảnh sát quốc gia.

Nhóm thứ hai do một cá nhân được xác nhận là Helmi làm đầu sỏ lên kế hoạch đánh bom xe nhằm trụ sở cảnh sát Jakatar tại khu thương mại chính của thành phố. Nhóm thứ ba âm mưu tấn công bằng dao nhằm vào cảnh sát giao thông.

Tư lệnh Haiti cũng cảnh báo nguy cơ về các vụ khủng bố do nhiều nhóm khác có liên hệ với Bahrun Naim tại Syria thực hiện. Cảnh sát nói rằng Bahrun Naim, một trong ba đối tượng cấp cao người Indonesia trong hàng ngũ chóp bu của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Syria, đóng vai trò trung tâm trong việc kích động các nhóm cực đoan tại Indonesia tiến hành nhiều vụ tấn công tại nước này.

Việc bắt giữ trên xảy ra sau loạt vụ tấn công ngày 14/1 vừa qua tại trung tâm thủ đô Jakatar khiến 4 dân thường thiệt mạng và 4 kẻ tấn công bị tiêu diệt. Các vụ đánh bom liều chết và đấu súng do IS nhận tiến hành này là sự việc tồi tệ nhất tại nước này trong 7 năm qua. Lực lượng an ninh đang tiến hành chiến dịch truy quét khắp cả nước, cho rằng có cả một mạng lưới cực đoan quy mô lớn đứng đằng sau vụ tấn công này.

Indonesia, quốc gia có số người theo đạo Hồi đông nhất thế giới, từng hứng chịu một số vụ tấn công đẫm máu do các nhóm Hồi giáo cực đoan tiến hành từ năm 2000-2009, trong đó có vụ đánh bom năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng.

Cảnh sát cho rằng hai mối đe dọa lớn nhất hiện nay là những công dân Indonesia tại Syria xúi giục các nhóm trong nước tấn công khủng bố và những người Indonesia trở về nước sau khi chiến đấu tại Trung Đông. Hiện 392 người Indonesia chiến đấu cho IS tại Syria và hơn 50 người khác được cho là chuẩn bị rời quốc gia Trung Đông này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục