Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi vừa công bố 3 trọng tâm chính của các Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay với chủ đề “ASEAN quan trọng: Tâm điểm tăng trưởng.”
Phát biểu tại một sự kiện ngày 19/3, Ngoại trưởng Retno cho biết “ASEAN quan trọng” - trọng tâm thứ nhất - là duy trì vai trò trung tâm của ASEAN để tổ chức khu vực này có thể trở thành động lực thúc đẩy hòa bình và ổn định.
Bà Retno nhấn mạnh: “Đoàn kết ASEAN là điều cần thiết để đóng vai trò trung tâm. Năng lực của ASEAN, đặc biệt là trong việc ra quyết định, sẽ tiếp tục được củng cố để ứng phó với các thách thức trong tương lai.”
Về trọng tâm thứ hai “Tâm điểm tăng trưởng”, bà Retno cho rằng ASEAN có 3 “tài sản” để trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gồm lợi thế nhân khẩu học với dân số hơn 650 triệu người, trong đó một số lượng lớn trong độ tuổi lao động; tăng trưởng kinh tế ASEAN luôn cao hơn mức trung bình của thế giới; và hòa bình, ổn định trong khu vực.
[Đâu là trọng tâm của Indonesia trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2023?]
Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia cho hay niềm tin của các đối tác vào ASEAN là khá lớn.
Theo kết quả khảo sát về tâm lý kinh doanh Liên minh châu Âu (EU) - ASEAN năm 2022, có tới 63% số người được hỏi đánh giá ASEAN mang lại các cơ hội kinh tế tốt.
Bên cạnh đó, 69% số người được hỏi kỳ vọng rằng thị trường ASEAN sẽ lớn mạnh hơn vào năm 2024. Ngoài ra, 97% mong muốn EU đẩy nhanh đàm phán thương mại với ASEAN.
Bà Retno cũng lưu ý rằng tỷ trọng thương mại và đầu tư nội khối hiện chưa nhiều nếu so với các đối tác. Cụ thể, thương mại nội khối chỉ chiếm khoảng 21,23%, trong khi đầu tư nội khối sụt giảm từ mức 23% xuống còn 13%. Ngược lại, thương mại giữa ASEAN với các nước đối tác và đầu tư vào ASEAN lại gia tăng rất mạnh.
Theo bà Retno, trọng tâm thứ 3 là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, ASEAN cần là động lực cho hòa bình và ổn định. Indonesia đã đưa ra Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và nhiệm vụ hiện nay là biến khái niệm này thành các hoạt động hợp tác kinh tế cụ thể.
Trên tinh thần đó, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023, Bộ Ngoại giao Indonesia sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công Nghiệp Indonesoa (KADIN) và các bộ ngành liên quan khác tổ chức sự kiện hàng đầu mang tên “Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”./.