Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 9/1, tại Jakarta, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế thường niên nhằm đánh giá lại hoạt động đối ngoại trong năm 2017 và công bố một số trọng tâm chính sách ngoại giao của Indonesia trong năm 2018.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi đã điểm lại tình hình thế giới, các hoạt động đối ngoại nổi bật của Indonesia trong năm 2017 và cho rằng sự liên kết các vấn đề nhân đạo và các nỗ lực nhằm gìn giữ hòa bình thế giới là hai vấn đề nổi bật về ngoại giao Indonesia trong năm 2017.
Bộ trưởng Retno Marsudi nhận định: “Thế giới năm 2018 vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự bất ổn về an ninh chính trị ở cấp độ toàn cầu vẫn sẽ là nguy cơ lớn nhất vào năm 2018 khi khả năng xung đột ở nhiều nơi trên thế giới vẫn còn tồn tại. Nhiều quốc gia đang rút lui khỏi các cam kết quốc tế trước đó. Chúng tôi kỳ vọng rất cao về vai trò của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình thế giới với chìa khóa là thúc đẩy hợp tác khu vực và hợp tác toàn cầu."
Liên quan đến cấu trúc khu vực trong tương lai, bà Retno chuyển tải thông điệp Indonesia mong muốn môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng không chỉ được thành lập ở ASEAN, mà còn trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Vì vậy, cùng với các nước ASEAN, Indonesia sẽ tiếp tục góp phần tăng cường hợp tác quốc tế để đóng góp tích cực và toàn diện cho khu vực, trên cơ sở xây dựng lòng tin và hợp tác cùng có lợi.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, cấu trúc khu vực sẽ được xây dựng tốt hơn thông qua cách tiếp cận song phương và theo nhiều hướng, tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu trên các lĩnh vực chiến lược khác nhau, đặc biệt là an ninh, hàng hải, thương mại và đầu tư.
Bộ trưởng Retno Marsudi nhấn mạnh 8 trọng tâm trong công tác đối ngoại của Indonesia trong năm 2018, trong đó ASEAN là một trọng tâm cần được tiếp tục duy trì với chủ trương tăng cường sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN.
Indonesia cam kết hỗ trợ cao nhất đối với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2018 của Singapore; đồng thời tích cực làm việc với ASEAN và Trung Quốc để tạo ra một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) "thực tế" và có hiệu quả để ổn định an ninh của Biển Đông.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng sẽ khuyến khích việc soạn thảo kế hoạch hành động để ASEAN đồng thuận về bảo vệ và phát huy quyền của lao động di cư; thúc đẩy ra hiệp ước về dẫn độ của ASEAN (ASEAN Extradition Treaty); đẩy mạnh hợp tác khu vực trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ; thúc đẩy dân chủ và tôn trọng nhân quyền...
Về các hoạt động ngoại giao nói chung, Bộ trưởng Marsudi cho biết Indonesia sẽ tăng cường các hoạt động ngoại giao hòa bình và nhân đạo vì một thế giới hòa bình và ổn định hơn, đặc biệt là viện trợ nhân đạo.
Indonesia cũng đảm bảo sự thành công của một số sự kiện quan trọng vào năm 2018 như: Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 2018); Hội nghị Đại dương ở Bali; Hội nghị Thường niên Ngân hàng Thế giới; Hội nghị Thế giới về Kinh tế Sáng tạo; Diễn đàn Indonesia -châu Phi...
Bên cạnh đó, Indonesia sẽ tăng cường chiến dịch vận động trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2019-2020.
Vấn đề biên giới và chủ quyền tiếp tục được Indonesia coi trọng với việc tăng cường các cuộc đàm phán tiến tới hoàn thành đường biên giới quốc gia.
Về bảo hộ công dân, Bộ Ngoại giao Indonesia sẽ hoàn thành và đưa ra các qui định về an toàn như là một trong những phương tiện để cải thiện việc bảo vệ người Indonesia đi du lịch ra nước ngoài.
Nhằm tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế toàn cầu, Indonesia sẽ tăng cường đàm phán thương mại và hợp tác kinh tế, cả CEPA, FTA và PTA.
Ngoài ra, các cuộc đàm phán các Hiệp định đầu tư song phương thế hệ mới cũng sẽ được tăng cường với các nước đối tác.
Cuối cùng, bà Retno tuyên bố Indonesia sẽ tăng cường chống lại các loại tội phạm xuyên quốc gia, như buôn bán người, đánh bắt cá trái phép (IUU), tội phạm ma tuý, chủ nghĩa cực đoan và khủng bố./.