Indonesia đẩy mạnh năng lực quốc gia đáp ứng cạnh tranh trong AEC

Indonesia đẩy mạnh năng lực quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh lành mạnh trong AEC, đặc biệt về sản phẩm, dịch vụ và nhân lực.
Đường phố ở thủ đô Jakarta. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Indonesia là quốc gia đưa ra sáng kiến thành lập Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột hợp tác Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội do cựu Tổng thống Megawati Soekarnoputri, cùng với Ngoại trưởng Hassan Wirajuda khởi xướng năm 2003.

Nối tiếp người tiền nhiệm, Chính quyền của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã ban hành Chỉ thị số 5/2008, Nghị định số 11/2011 hướng dẫn các bộ, ngành "thực hiện các cam kết khác nhau về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)."

Năm 2012, Chính phủ cũng đã thành lập Ban Thư ký Quốc gia phụ trách các vấn đề ASEAN-Indonesia. Đây là cơ quan đầu mối về các vấn đề ASEAN, phối hợp thực hiện các quyết định của ASEAN ở cấp quốc gia, xúc tiến việc thành lập Cộng đồng ASEAN và thúc đẩy những nỗ lực của Indonesia trong việc thu hẹp khoảng cách với các nước thành viên sáng lập ASEAN.

Tháng 6/2013, Chính phủ Indonesia đã thành lập một Ủy ban quốc gia để chuẩn bị cho AEC với nhiệm vụ phân tích, đánh giá và đề xuất những kiến nghị cần thiết với Chính phủ để có thể sẵn sàng vượt qua các thách thức và khó khăn, tận dụng và phát huy được tối đa những cơ hội và lợi ích to lớn mà AEC đem lại.

Bộ Công nghiệp Indonesia cũng đã thiết lập lộ trình cho những khu vực có khả năng phát triển mạnh khi AEC bắt đầu có hiệu lực. Đó là các ngành điện tử, ôtô, ximăng, dệt may và da giày đối với thị trường trong nước, và các ngành liên quan đến nông nghiệp, thủy sản, da giày, nội thất, thực phẩm và đồ uống đối với thị trường Đông Nam Á.

Được kế thừa một cơ sở pháp lý và nền tảng tương đối mạnh cho việc đón Cộng đồng ASEAN dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 31/12 năm nay, tuy nhiên chính quyền của tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo chỉ có gần 14 tháng để hoàn thành nốt những phần việc còn lại và đặc biệt là đẩy mạnh năng lực quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh lành mạnh trong AEC.

Chuyên gia cao cấp, giảng viên Đại học Paramadina, ông Mohammad Anthoni khẳng định: “Chính phủ trung ương và chính quyền địa phương của Indonesia đã có những bước chuẩn bị để cung cấp thông tin đến doanh nghiệp, đến người dân về Cộng đồng kinh tế ASEAN; nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ Indonesia trên thị trường của các nước trong khu vực Đông Nam Á."

Tuy nhiên, ông cho rằng chính phủ còn có nhiều việc phải làm, như cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện số hóa công ty để tăng tốc độ kinh doanh nhằm thu hẹp khoảng cách cạnh tranh giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia với các đối tác ASEAN; cùng với các nước xây dựng các khu kinh tế biên giới đặc biệt với các nước láng giềng giảm bớt các tranh chấp lãnh thổ, giảm tội phạm xuyên biên giới và cải thiện cuộc sống của người dân…

Với người dân Indonesia, vẫn cần có thời gian để đánh giá toàn diện những thay đổi mà Cộng đồng ASEAN sẽ mang lại cho cuộc sống của họ.

Đại diện một người dân Indonesia, Bà Ririn Suyono cho biết: “Tôi cũng vài lần nghe về Cộng đồng kinh tế ASEAN, về thị trường thống nhất chung, nó có thể giúp cuộc sống của những người dân như chúng tôi ở tất cả các nước ASEAN tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng luôn có hai mặt, và chúng ta nên chờ xem.”

Hiện Indonesia có 55.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chi phối tới 60% nền kinh tế quốc đảo. Trong khi các doanh nghiệp này chưa có nhiều hiểu biết về kinh doanh thương mại quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực của khu vực này cũng rất yếu, mặt khác, vốn và kỹ năng làm chủ việc tiếp thị và phân phối đều thiếu.

Các chủ doanh nghiệp cần phải được đào tạo về những hệ quả khác nhau của dòng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề cao sau khi AEC được thành lập…

Với nhiều phần việc còn phải làm, Indonesia cần nỗ lực nhiều hơn để không bị tụt lại phía sau khi cái đích đầu tiên đang đến gần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục