Theo số liệu báo cáo mới của Bộ Y tế Indonesia, tại thủ đô Jakarta, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nhóm người chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cao hơn so với nhóm đã tiêm chủng.
Báo cáo công bố ngày 5/8 cho thấy tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở những người chưa tiêm chủng là 15,5%, trong khi tỷ lệ này ở người đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine hoặc của Sinofarm, hoặc của AstraZeneca là 4,1%.
Số liệu này được tổng hợp từ hồ sơ bệnh án của gần 68.000 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại thủ đô Jakarta trong thời gian từ tháng Năm đến tháng Bảy năm 2021.
Tiến sỹ Ines Atmosukarto, một nhà sinh học phân tử, người làm việc về phát triển vaccine, cho rằng dữ liệu là bằng chứng về tầm quan trọng của tiêm chủng trong ngăn ngừa nguy cơ tử vong và những biến chứng nặng gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
[Mỹ hỗ trợ Indonesia hơn 80 triệu USD đối phó với đại dịch COVID-19]
Dữ liệu của Indonesia được công bố trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại nước này gia tăng trong nhiều tháng gần đây, trong đó ngày 4/8 nước này ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 vượt con số 100.000 ca.
Riêng tại thị trấn Banyuwangi trên đảo Java, báo cáo của Bộ Y tế Indonesia cho biết 93% ca mắc COVID-19 trong thời gian từ tháng Ba đến tháng Bảy là những người chưa tiêm chủng, 6% là người đã tiêm một mũi vaccine và 1% là người đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi.
Địa phương này chủ yếu sử dụng vaccine của Sinovac và của AstraZeneca
Bộ Y tế Indonesia cho biết tính tới thời điểm hiện tại, 18% dân số nước này đã tiêm chủng 1 mũi vaccine, trong khi tỷ lệ người đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine là 8%.
Do sự lây lan của biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, Indonesia đang là điểm “nóng” dịch bệnh tại châu Á với tổng số ca mắc COVID-19 hiện đã vượt 3,5 triệu ca./.