Indonesia gửi trả hàng trăm container rác thải nhập khẩu

Người phát ngôn Cục Hải quan Indonesia cho biết trong những tháng gần đây, các cơ quan chức năng Indonesia đã thu giữ và gửi trả lại nơi xuất phát khoảng 250 container chứa rác thải nhập khẩu.
Một container chứa rác thải nhựa tại cảng Batu Ampar ở Batam của Indonesia, ngày 15/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/9, Cục Hải quan Indonesia cho biết nước này đã gửi trả hàng trăm container chứa rác thải nhập khẩu về nơi xuất phát trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang mạnh tay ngăn chặn làn sóng nhập khẩu rác thải.

Người phát ngôn của Cục Hải quan Indonesia Deni Surjantoro cho biết trong những tháng gần đây, các cơ quan chức năng Indonesia đã thu giữ và gửi trả lại nơi xuất phát khoảng 250 container chứa rác thải nhập khẩu.

Theo dữ liệu hải quan Indonesia, 49 container trong số này được thu giữ ở đảo Batam gần Singapore và được gửi lại Mỹ, Đức, Pháp, Hong Kong (Trung Quốc) và Australia.

Các container này chứa rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa và các vật liệu nguy hiểm, vi phạm các quy định nhập khẩu.

Gần 200 container rác nhập khẩu khác tại thành phố Surabaya lớn thứ hai của Indonesia cũng đã được gửi trả lại Mỹ, Anh và Đức.

Trong khi đó, các nhân viên hải quan cũng đang xúc tiến việc "hồi hương" khoảng 150 container và kiểm tra hơn 1.000 container khác do nghi ngờ có chứa vật liệu cấm.

[Hàng nghìn người Indonesia tham gia chiến dịch làm sạch các bãi biển]

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã tiếp nhận một lượng lớn rác thải nhựa từ khắp các nước trên thế giới. Tuy nhiên, từ tháng 1/2018, Bắc Kinh đã quyết định không nhận rác thải từ nước ngoài nhằm làm sạch môi trường.

Do đó, một lượng lớn rác thải nhựa đã được vận chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Indonesia và Philippines.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Indonesia, lượng rác thải nhập khẩu vào nước này trong năm ngoái đã tăng 141% lên 283.000 tấn sau quyết định của Trung Quốc.

Indonesia hiện đang chật vật xử lý rác thải của chính nước này, thường bằng cách chôn lấp hoặc đổ ra sông. Theo một nghiên cứu thực hiện năm 2015 đăng tải trên tạp chí Khoa học, Indonesia là "thủ phạm" lớn thứ hai gây nên tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở đại dương.

Nhằm giảm tình trạng ô nhiễm đáng báo động này, Indonesia cũng tìm cách đánh thuế vào túi nylon, song nỗ lực này đã vấp phải rào cản tại quốc hội do các ý kiến phản đối của giới doanh nghiệp.

Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), khoảng 300 triệu tấn nhựa đang được sản xuất ra hằng năm và hầu hết các vật dụng làm bằng nhựa đều bị đưa đến các hố chôn hoặc gây ô nhiễm các đại dương. Tình trạng này đã trở thành một cuộc khủng hoảng quốc tế ngày càng nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục