10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ bắt đầu thực hiện Hội nhập kinh tế khu vực, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), để thiết lập một thị trường chung chỉ trong vài tuần tới.
Như các thỏa thuận đã được thống nhất, AEC sẽ dẫn đến một dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề cao trong tất cả các nước thành viên.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ước tính thị trường chung ASEAN có thể tạo ra 14 triệu việc làm vào năm 2025 và nâng cao đời sống của khoảng 625 triệu người ở tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN.
Tuy nhiên, kể cả khi thời điểm lịch sử này chỉ còn tính bằng ngày, người lao động tại các nước ASEAN vẫn đang phải trải qua những giai đoạn để từ chỗ làm quen, thâm nhập đến làm chủ được tình hình.
Đặc biệt là chuẩn bị cho mình đủ vốn liếng cả về trình độ tay nghề và ngoại ngữ để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng lao động trong bối cảnh phát triển của khu vực.
Ở một số nước, như Campuchia, Lào, Việt Nam hay Indonesia, tỷ lệ lao động có tay nghề còn chưa cao, chủ yếu là lao động phổ thông và không có ngoại ngữ.
Hiển nhiên là những lao động này hầu như không thể có cơ hội sang nước khác tìm việc làm tốt với mức thu nhập khá.
Vì vậy, dự tính trong tương lai gần, chưa thể xảy ra một làn sóng lớn về di chuyển lao động giữa các nước thành viên.
Chính phủ Indonesia, quốc gia đông dân nhất trong ASEAN, đã tuyên bố sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận AEC, trong đó có thỏa thuận về tiếp nhận lao động nước ngoài.
Theo kế hoạch AEC, có tám lĩnh vực mở cửa cho người lao động từ các nước ASEAN khác, gồm kế toán, kỹ thuật viên, khảo sát, kiến trúc, điều dưỡng, dịch vụ y tế, dịch vụ nha khoa và du lịch.
Trong số đó, Indonesia đã xác định bốn lĩnh vực thế mạnh của mình gồm: kỹ thuật viên, điều dưỡng, du lịch và kiến trúc.
Ông Arisman, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á tại Indonesia, cho rằng Indonesia cũng đang chịu áp lực từ tỷ lệ thất nghiệp trong nước, song một khi thực hiện AEC, nước này sẽ mở cửa thị trường lao động cho các nước thành viên ASEAN khác.
Điều này không phải là mối lo ngại về vấn đề nhập cư mà sẽ tạo ra sự cạnh tranh không dễ dàng đối với thị trường lao động của Indonesia.
Tuy nhiên, Indonesia cũng sẽ nhận được nhiều lợi ích khi thu hút được nguồn nhân lực có tay nghề cao đến từ các nước trong khối, như Singapore, Malaysia, Thái Lan…để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm phát triển đất nước.
Hiện nay số lao động nước ngoài có tay nghề cao đang làm việc tại Indonesia không nhiều, điều đó đồng nghĩa với việc Indonesia sẽ khó có cơ hội tiếp nhận được những kỹ năng ngành nghề cần thiết.
Bên cạnh đó, có một nguy cơ là vấn đề chảy máu chất xám khi ngày càng nhiều kỹ sư có tay nghề cao của Indonesia sang Malaysia làm việc với mức lương cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn.
AEC sẽ tạo cho người lao động nhiều lựa chọn về việc làm hơn ở tất cả các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, thách thức là các lao động phải có khả năng cạnh tranh.
Indonesia vẫn luôn tin tưởng vào tiềm năng của mình bởi một thị trường nội địa rất lớn với lực lượng lao động hùng hậu.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế trên, nguồn nhân lực của quốc đảo này vẫn bộc lộ những thiếu hụt trong lĩnh vực chuyên gia hay về ngoại ngữ…
Và trong bối cảnh chung thì cũng như Indonesia, các quốc gia thành viên đều còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết những thách thức khi mở cửa thị trường lao động, nhất là trong điều kiện hiện nay khi trình độ phát triển giữa các quốc gia ASEAN còn nhiều khoảng cách./.