Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 17/2 cho biết Chủ tịch Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) Indonesia năm 2022 kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thành lập quỹ y tế toàn cầu nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Bộ trưởng Indrawati cho rằng COVID-19 không phải là đại dịch cuối cùng mà thế giới phải đối mặt. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ sự tấn công của dịch bệnh COVID-19, nguyên thủ các nước trên thế giới cần tỉnh táo hơn để đối mặt với các đại dịch tiếp theo.
Phát biểu tại hội thảo “Tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu” được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20, bà Indrawati nhấn mạnh: “Trong khi thế giới vẫn đang vật lộn để đối phó với COVID-19, một thực tế đáng ngạc nhiên là đây sẽ không phải là đại dịch cuối cùng phải đối mặt. Chủ tịch G20 Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu để vượt qua đại dịch hiện nay và chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai.”
Cựu Giám đốc Điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết các nước thành viên G20 đang thiết kế một cấu trúc y tế toàn cầu bao gồm tài chính để đối phó với các đại dịch trong tương lai. Cấu trúc này được gọi là PPR (phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch).
[Indonesia muốn thiết lập cấu trúc kinh tế toàn cầu hậu khủng hoảng]
Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cũng nhất trí cần có một quỹ toàn cầu để có thể sử dụng ngay lập tức khi đại dịch bùng phát trở lại, đồng thời đề xuất rằng quỹ chung này có thể được sử dụng để hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn về tài chính.
Theo Bộ trưởng Budi, nguồn kinh phí hạn chế là vấn đề lớn của các nước trên thế giới khi đối phó với đại dịch COVID-19 như trong giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, kinh phí không phải là vấn đề duy nhất và việc tiếp cận vật tư y tế cũng không công bằng.
Ví dụ, khi phải đối mặt với đại dịch COVID-19 vào năm 2020, dù có tiền song Indonesia lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung cấp máy thở và vaccine. Lý do là các quốc gia khác tranh giành để có được nguồn trang thiết bị y tế hạn chế này.
Ông Budi đề xuất rằng quỹ y tế toàn cầu sẽ có nguyên tắc hoạt động tương tự như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Khác biệt là IMF cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia đang trải qua khủng hoảng kinh tế hoặc tiền tệ, trong khi quỹ y tế toàn cầu cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia đang trải qua khủng hoảng sức khỏe.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng hệ thống tài chính toàn cầu hiện chưa cung cấp khả năng tiếp cận nguồn vốn mà thế giới cần khi đối mặt với đại dịch.
Bộ trưởng Janet cho rằng sự bất bình đẳng trong tiếp cận tài chính khiến cuộc chiến chống lại đại dịch khó khăn hơn. Trên thực tế, để thoát khỏi đại dịch, tất cả các quốc gia phải được tiếp cận với các trang thiết bị vật tư y tế đầy đủ.
Bà Janet cho biết chương trình đồng tài trợ đã thực sự thành công trong các lĩnh vực khác, như chống biến đổi khí hậu và các dịch bệnh khác.
Bà Janet cũng kêu gọi khu vực tư nhân và các nước phát triển tham gia đóng góp cho quỹ y tế toàn cầu và số tiền được giải ngân là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận lớn, không phải là một khoản chi lãng phí./.