Nhà chức trách Indonesia ngày 15/1 cho biết đã sơ tán khoảng 6.500 người trên đảo Flores sau khi núi lửa Lewotobi Laki-laki phun những đám mây tro nâu dày đặc trong mấy ngày qua.
Không có thương vong hay thiệt hại lớn nào được báo cáo cho đến nay.
Ngọn núi cao 1.584m này là một trong 2 ngọn núi lửa sinh đôi, Lewotobi Laki-laki và Lewotobi Perempuan, tại huyện Flores Timur thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara.
Núi lửa Lewotobi Laki-laki đã phun trào 40 lần kể từ ngày 14/1, các cột tro bụi bốc lên cao từ 500-1.500m.
Dân cư ở những ngôi làng gần đó đã di dời đến nhà người thân hoặc được đưa đến các trung tâm sơ tán khi nhà chức trách nâng cảnh báo núi lửa lên mức cao nhất vào ngày 9/1.
Chính quyền kêu gọi cộng đồng địa phương cũng như du khách không đi vào phạm vi bán kính 4km xung quanh khu vực phun trào và cảnh báo khả năng dung nham lạnh từ đỉnh núi chảy tràn vào thượng nguồn của các dòng sông trong trường hợp có mưa lớn.
Núi lửa Lewotobi Laki-laki là một trong 120 núi lửa đang hoạt động tại Indonesia, đảo quốc 270 triệu dân. Nước này thường hứng chịu động đất và núi lửa phun trào do nằm dọc Vành đai lửa, một hệ đứt gãy địa chấn hình móng ngựa xung quanh Thái Bình dương.
Trong khi đó, trên đảo Sumatra, núi lửa Marapi phun trào trở lại ngày 14/1, lần thứ 2 kể từ tháng 12/2023, phun tro và khói lên cao, tuy nhiên không gây thương vong. Ít nhất 100 người được sơ tán kể từ ngày 12/1./.
Indonesia sơ tán người dân sau khi núi lửa Marapi phun trào trở lại
Nhà chức trách yêu cầu người dân sinh sống trong phạm vi bán kính 4,5km xung quanh miệng núi lửa Marapi phải sơ tán do dung nham có thể chảy tràn xuống các dòng sông và thung lũng.