Theo Bộ Công trình và Nhà ở công cộng Indonesia (PUPR), chính phủ nước này sẽ khởi công xây dựng thành phố thủ đô mới trong nửa cuối năm nay do việc trì hoãn thêm sẽ gây ảnh hưởng đến kế hoạch di dời thủ đô vào năm 2024.
Trước đó, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã bày tỏ mong muốn di dời thủ đô từ Jakarta sang tỉnh Đông Kalimantan vào ngày 16/8/2024, một ngày trước lễ Quốc khánh, và hiện chỉ còn khá ít thời gian để tiến hành đại dự án này.
Chính phủ chỉ còn hơn hai năm để xây dựng khu vực trung tâm của thủ đô mới với Phủ tổng thống, trụ sở các bộ, cơ quan lập pháp và các cơ quan chính phủ khác, cũng như đường sá, cơ sở hạ tầng cấp nước, vệ sinh và điện.
Người đứng đầu Lực lượng chuyên trách quy hoạch và phát triển thành phố thủ đô mới thuộc PUPR Imam Santoso Ernawi cho biết, để có thể hoàn thành vào năm 2024, cần bắt đầu dự án từ đầu nửa cuối năm 2022.
Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến ngày 2/2, ông Imam nhấn mạnh: “Vào lúc đó, công tác xây dựng vật lý phải bắt đầu, đặc biệt là đối với tất cả các công trình được coi là ưu tiên.”
Ông Imam tiết lộ rằng thủ đô mới sẽ có diện tích 6.671ha và được chia thành ba khu vực, trong đó khu vực 1 gồm các công trình cốt lõi của chính phủ như Phủ tổng thống, trụ sở các bộ, nhà ở dành cho công chức và nhà thờ Hồi giáo quốc gia cần được hoàn tất vào năm 2024.
Trụ sở các bộ sẽ được chia thành bốn khu vực theo bốn Bộ Điều phối, trong đó mỗi khu vực sẽ có bốn tòa tháp với tổng cộng 1.300 phòng.
[Quốc hội Indonesia thông qua dự luật chuyển thủ đô mới]
Khu vực 2 bao gồm một trường đại học cấp quốc tế và một trung tâm thể thao quốc gia, trong khi khu vực 3 gồm một bệnh viện cấp quốc tế. Việc xây dựng các cơ sở này sẽ bắt đầu sau khi khu vực 1 hoàn thành.
Cũng tại hội thảo, ông Mohammd Roudo, quyền Giám đốc Khu vực 2 thuộc Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas), cho hay thủ đô mới sẽ được phát triển trong ba giai đoạn, trong đó giai đoạn một từ năm 2022 đến năm 2024, tiếp đó là giai đoạn hai và giai đoạn ba kéo dài 20 năm đến năm 2045.
Từ năm 2025 đến năm 2034, chính phủ sẽ bắt đầu thu hút các công ty tư nhân để phát triển thành phố thủ đô. Trong giai đoạn này, các trung tâm kinh tế và đổi mới sáng tạo sẽ được xây dựng.
Trong giai đoạn ba kéo dài 10 năm, chính phủ sẽ tiếp tục phát triển thủ đô mới bằng cách tập trung xây dựng các thành phố vệ tinh và miền Đông Indonesia. Chính phủ đặt mục tiêu đưa thủ đô mới lọt top 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới và thu hút nhân tài người nước ngoài, đặc biệt là từ các nước Đông Nam Á.
Tháng trước, Quốc hội Indonesia đã thông qua một đạo luật làm cơ sở pháp lý cho việc di dời thủ đô đến tỉnh Đông Kalimantan cũng như dự án xây dựng thành phố thủ đô mới. Theo đó, chính phủ sẽ tiến hành bổ nhiệm người đứng đầu chính quyền thành phố thủ đô mới trong vòng hai tháng kể từ khi đạo luật này được thông qua.
Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước năm 2022 đã được thông qua vào năm ngoái, chính phủ cần điều chỉnh lại để phân bổ vốn cho dự án thành phố thủ đô mới. Bộ Tài chính đã có kế hoạch điều chuyển ngân sách của các bộ sang cho đại dự án này, hoặc tái phân bổ từ ngân sách phục hồi kinh tế quốc gia (PEN).
Chuyên gia Bộ Tài chính Made Arya Wijaya cho biết thành phố thủ đô mới cũng sẽ được nhận tài trợ từ ngân sách trung ương.
Mặc dù có cấu trúc tương đồng với chính quyền cấp tỉnh, song chính quyền thành phố thủ đô mới sẽ không sử dụng cơ chế ngân sách địa phương, mà sẽ được xem như một bộ trong đó người đứng đầu mang hàm Bộ trưởng do Tổng thống trực tiếp chỉ định./.