Ngày 23/5, giới chức Indonesia thông báo ghi nhận 42 nhân viên y tế nhiễm mới virus SARS-CoV-2; những người này đã điều trị cho 13 thủy thủ Philippines mắc COVID-19.
Tỉnh trưởng Trung Java Ganjar Pranowo cho biết khoảng 140 nhân viên y tế khác đã tiếp xúc gần với thủy thủ đoàn trên tàu Hilma Bulker treo cờ Philippines.
Tàu này vận chuyển đường tinh luyện từ Ấn Độ và cập cảng Trung Java ngày 25/4 vừa qua. Các thủy thủ nói trên đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Kết quả giải trình tự gene cho thấy các thủy thủ này nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 có ký hiệu B.1617.2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Một thủy thủ trong số này đã tử vong tại bệnh viện.
Ông Pranowo cho biết hiện lực lượng chức năng đang tích cực truy vết các nhân viên y tế khác có tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với nhóm thủy thủ trên. Tất cả 49 quan chức Indonesia giám sát việc dỡ hàng từ tàu Hilma Bulker đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Với hơn 1,7 triệu ca mắc và 49.000 ca tử vong, Indonesia hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Đông Nam Á.
Một số chuyên gia y tế lo ngại các cuộc tụ họp quy mô lớn trong dịp lễ Eid al-Fitr, đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của tín đồ Hồi giáo và sự xuất hiện các biến thể mới có thể làm gia tăng số ca mắc mới tại nước này.
[Indonesia phát hiện 26 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2]
Tháng trước, Indonesia đã ngừng cấp visa cho người nước ngoài từng ở Ấn Độ gần đây.
Ngày 23/5, Bộ Y tế Philippines ghi nhận 3.083 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.179.812 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng lên 19.951 người sau khi có thêm 38 bệnh nhân không qua khỏi.
Philippines đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với khoảng 70 triệu người được tiêm chủng.
Tính đến ngày 22/5, ước tính đã có 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho hơn 3 triệu người Philippines.
Bangladesh thông báo gia hạn phong tỏa đến ngày 30/5
Cùng ngày, Bangladesh thông báo gia hạn phong tỏa đến ngày 30/5, song nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với hoạt động giao thông vận tải. Theo đó, cho phép nối lại các dịch vụ giao thông công cộng kể từ nửa đêm 23/5 với điều kiện tuân thủ các quy định y tế phòng dịch.
Để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Bangladesh đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong 8 ngày, có hiệu lực từ ngày 14/4 đến ngày 21/4 vừa qua, sau đó gia hạn theo từng giai đoạn đến ngày 23/5.
Quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 có dấu hiệu giảm trong những ngày gần đây.
Ngày 22/5, Bangladesh ghi nhận thêm 1.028 ca mắc mới và 38 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 787.726 ca và 12.348 ca.
Theo số liệu chính thức, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Bangladesh là 1,57%, trong khi tỷ lệ bình phục hiện là 92.65%./.