Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, sau gần 1 tháng thí điểm mở cửa hạn chế, Sở Giáo dục và Đào tạo Jakarta đang lên kế hoạch mở cửa trở lại khoảng 900 trường học từ mẫu giáo đến phổ thông trung học vào ngày 27/9 tới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Jakarta, ông Putoyo cho biết trong số 1.500 trường được phép tổ chức dạy học trực tiếp trong giai đoạn 1, có 610 trường đã mở cửa ở phạm vi hạn chế trong khi các trường còn lại vẫn đang được tập huấn hoặc đánh giá.
Ngoài việc tiếp tục mở lại các trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo Jakarta cũng có kế hoạch tổ chức các lớp học hằng ngày, thay vì chỉ vào ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu như hiện nay. Điều này sẽ cho phép mỗi học sinh có hai ngày học trực tiếp tại trường mỗi tuần.
[Indonesia: Jakarta không còn khu vực nào trong vùng đỏ COVID-19]
Sở Giáo dục và Đào tạo Jakarta đặt mục tiêu mở cửa trở lại khoảng 8.900 trường học trên địa bàn thủ đô vào tháng 11 theo từng giai đoạn, trong đó giai đoạn một với 1.500 trường. Danh sách này chưa tính đến các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý của Bộ Tôn giáo.
Ngày 30/8 vừa qua, Indonesia đã cho phép mở cửa trở lại các lớp học trực tiếp sau hơn một năm đóng cửa vì dịch bệnh, song giới hạn tại những khu vực thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1, 2 và 3.
Theo dữ liệu từ Lực lượng xử lý COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia, có 63% cơ sở giáo dục trong tổng số hơn 210.000 trường học tại các khu vực trên cả nước áp dụng PPKM cấp độ 1, 2 và 3 được phép mở cửa trở lại.
Tại khu vực thủ đô Jakarta, 610 trường đã mở cửa đón học sinh song phải tuân thủ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt.
Các trường chỉ được phép hoạt động với 50% công suất và tối đa 5 học sinh mỗi lớp; thời gian mỗi tiết học đều được rút ngắn.
Học sinh phải ngồi cách nhau 1,5m, không được tụ tập nói chuyện trong lớp học, phải đeo khẩu trang suốt thời gian ở trường và không được ra khỏi lớp trong giờ nghỉ giải lao. Bên cạnh đó, tất cả giáo viên đều phải tiêm vaccine phòng COVID-19.
Hồi cuối tháng Tám, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết có tới 91% trẻ em ở độ tuổi từ 12-17 và 85% giáo viên trên địa bàn đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ.
Tuy nhiên, các học sinh không bắt buộc phải tiêm chủng trước khi đến trường và việc học trực tiếp là quyết định từ phía các phụ huynh.
Chính quyền và các chuyên gia giáo dục Indonesia cho rằng việc mở lại các lớp học trực tiếp sẽ giúp cải thiện tình trạng bỏ học, giúp học sinh duy trì tương tác xã hội và bớt cảm giác bị cô lập sau thời gian dài phong tỏa.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ quan ngại về việc sớm mở cửa các trường học, do có khoảng 13% trường hợp mắc COVID-19 ở Indonesia là trẻ vị thành niên.
Tình hình dịch bệnh tại Indonesia đã giảm mạnh so với đỉnh điểm hồi cuối tháng Bảy vừa qua.
Riêng ngày 12/9, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này ghi nhận 3.779 ca mắc mới và 188 ca tử vong do COVID-19, trong đó, thủ đô Jakarta có 306 ca mắc mới và 6 ca tử vong./.