Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết của tác giả Endy Bayuni với tựa đề: “Indonesia: Liệu Jokowi có chiến thắng trong cuộc bầu cử tới?”, nội dung bài viết như sau:
Cuộc bầu cử tổng thống Indonesia, sẽ diễn ra vào tháng 4 tới, giống như một cuộc tái đấu của các đối thủ từng chạm trán nhau năm 2014 để bầu ra người đứng đầu nhà nước Indonesia trong 5 năm tới.
Mặc dù cuộc đua có thể mang lại một kết quả tương tự, nhưng biện pháp tiến hành của các bên đã có sự thay đổi, khiến đây là một cuộc thi rất khác.
Hầu hết các cuộc khảo sát gần đây cho thấy đương kim Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) luôn dẫn đầu với một tỷ lệ lớn cách biệt so với đối thủ của mình là ông Mitchowo Subianto. Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để nói về chiến thắng của Jokowi.
Bài học từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh cho thấy các cuộc khảo sát có thể sai.
Indonesia cũng từng nhận bài học tương tự về vấn đề này trong cuộc bầu cử thống đốc Jakarta năm 2017 khi Basuki Ahok, thống đốc đương nhiệm, đã bị thua cuộc trong cuộc bầu cử mặc dù các cuộc khảo sát diễn ra trước đó luôn cho thấy ông ở vị trí dẫn đầu đối thủ của mình.
Năm 2014, Jokowi đã chứng kiến sự dẫn đầu cách biệt của mình khi bắt đầu chiến dịch, tuy nhiên sau một chiến dịch mạnh mẽ của Mitchowo, tỷ lệ này đã bị sụt giảm nhanh chóng.
Tuy nhiên, thắng lợi cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống năm 2014 thuộc về ông Jokowi.
Mitchowo từng thất bại trong 2 cuộc bầu cử tổng thống vào các năm 2009 và 2014, và ông không muốn tiếp tục bị thất bại trong lần bầu cử tới một cách dễ dàng.
Với vai trò một cựu tướng quân đội đã nghỉ hưu, Mitchowo sẽ tiếp tục chiến đấu quyết liệt cho cuộc chiến sắp tới. Đây là "trận chiến" giữa đương kim tổng thống và người thách thức.
Năm 2014, cả Jokowi và Mitchowo tham gia cuộc đua với tư cách như nhau và đều có những hứa hẹn lớn lao nếu được bầu.
Lần này, Jokowi cũng đưa ra những hứa hẹn mới và kế thừa những thành tựu trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, mặc dù nhiệm kỳ vừa qua có không ít lĩnh vực ông chưa thành công.
Các cử tri Indonesia sẵn sàng tha thứ cho những thiếu sót của ông và cho ông cơ hội lần thứ 2, miễn là các chương trình của Jokowi đáp ứng được mong muốn của đại bộ phận người dân Indonesia.
Còn nhớ, cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã tái đắc cử với số phiếu 60% trong năm 2009, mặc dù thành tựu của ông trong nhiệm kỳ thứ nhất không thực sự ấn tượng.
Trong khi đó, ngoài vai trò là chủ tịch Đảng Gerindra trong 5 năm qua, Mitchowo chưa có thành tích nào nổi trội, do đó Mitchowo sẽ tìm mọi cách để vạch trần những sai sót và điểm yếu trong nhiệm kỳ của Jokowi để làm giảm uy tín của đương kim tổng thống và thu hút cử tri cho mình.
Jokowi tham gia cuộc đua với sự hỗ trợ của 9 chính đảng, trong đó có 2 đảng lớn nhất đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2014 là Đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia (PDI-P) và Đảng Golkar, bên cạnh đó có 2 đảng Hồi giáo là Đảng Phát triển Thống nhất (PPP) và Đảng Thức tỉnh Quốc gia (PPP).
[Dự đoán cán cân cạnh tranh trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia]
Mitchowo có một liên minh nhỏ hơn gồm 6 đảng ủng hộ, trong đó có Đảng Gerindra, Đảng Dân chủ Indonesia hiện do cựu Tổng thống Yudhoyono làm chủ tịch, hai đảng Hồi giáo là Đảng Công lý thịnh vượng (PKS) và Đảng ủy quyền quốc gia (PAN).
Năm 2014, Jokowi chỉ có 4 đảng ủng hộ còn Mitchowo có 6 đảng ủng hộ, trong đó có các Đảng Golkar và PPP.
Sự lựa chọn của họ về những người tham gia liên minh tranh cử khiến cuộc đua năm 2019 trở nên vô cùng khác biệt. Jokowi chọn Ma’ruf Amin, Chủ tịch Hội đồng tôn giáo tối cao (Ulema) của Indonesia, trong khi Mitchowo chọn người tham gia liên minh với mình là một triệu phú, đó là Sandiaga Uno.
Những người bạn đồng hành có thể có tác động hạn chế đến kết quả của các ứng cử viên, nhưng trong một cuộc đua cạnh tranh khốc liệt như năm 2014, họ vẫn có thể tạo ra những khác biệt và mang lại kết quả cho liên minh của mình.
Việc Jokowi lựa chọn Ma’ruf Amin đã làm giảm thiểu những lo ngại trước đó rằng Mitchowo sẽ sử dụng Hồi giáo như một vũ khí trong chiến dịch tranh cử lần này, như cách ông đã làm năm 2014.
Tuy nhiên, việc Mitchowo lựa chọn người tham gia liên minh là Sandiaga - một doanh nhân thành đạt, trẻ tuổi - cho thấy ông đang muốn tập trung vào việc thu hút giới trẻ Indonesia.
Đạo Hồi không còn là nhân tố chính trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống sắp tới. Thay vào đó, kinh tế đã trở thành nội dung chủ đạo của các ứng viên trong việc vận động các cử tri của lần bầu cử này.
Jokowi quyết tâm bảo vệ các thành tích kinh tế của ông trong nhiệm kỳ vừa qua và ngược lại, đối thủ của ông sẽ tìm mọi cách để khai thác những điểm yếu và thiếu sót của ông.
Tăng trưởng kinh tế của Indonesia ổn định trong 5 năm qua, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tốc độ phát triển trung bình của kinh tế Indonesia trong 5 năm qua là 5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7% mà Jokowi đã hứa trong chiến dịch vận động năm 2014.
Jokowi vẫn dễ bị tấn công, đặc biệt là vấn đề thâm hụt thương mại và ngân sách, chênh lệch giàu nghèo, đồng Rupiah mất giá, nạn thất nghiệp trong giới thượng lưu và có học thức cũng như sự biến động về giá của các thực phẩm cơ bản.
Một sự khác biệt lớn trong năm 2019 là cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp đồng thời diễn ra vào ngày 17/4. Trước đây, cuộc bầu cử lập pháp diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống 3 tháng, cho phép các cử tri bỏ phiếu cho một đảng chính trị, còn việc bầu ứng viên tổng thống có thể từ một đảng khác.
Hiện nay, các cuộc bầu cử diễn ra đồng thời, cử tri đi đến phòng bỏ phiếu với một suy nghĩ khác. Điều này ảnh hưởng đến cuộc bầu cử lập pháp nhiều hơn so với cuộc bầu cử tổng thống.
Hầu hết các cuộc khảo sát gần đây cho thấy các lợi ích đang tập trung vào Đảng PDI-P, đảng của Jokowi và Đảng Gerindra của Mitchowo.
Hai đảng này có khả năng tranh 2 vị trí cao nhất trong cuộc đua vào Hạ viện. Lần đầu tiên Đảng Golkar có thể rơi ra khỏi 2 vị trí cao nhất. Trong khi đó, đảng Dân chủ không thực sự hài lòng về sự liên kết của mình với Mitchowo.
Các cuộc khảo sát dự đoán nhiều đảng nhỏ sẽ không đạt được 4% số phiếu phổ biến mà họ cần có đại diện trong Hạ viện. Nếu chỉ 5 hoặc 6 đảng nhỏ đạt tới ngưỡng này, Indonesia sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn trong bối cảnh chính trị của mình./.