Indonesia và những "con át chủ bài" khi tham gia sân chơi AEC

Được coi là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với dân số và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm gần 40% của ASEAN, Indonesia có những lợi thế không thể phủ nhận.
Đường phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Được coi là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với dân số và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm gần 40% của ASEAN, Indonesia có những lợi thế không thể phủ nhận, đó là nguồn lao động dồi dào, là quốc gia Đông Nam Á duy nhất thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Nắm rõ những “con át chủ bài” này, Chính phủ Indonesia đã có những bước chuẩn bị tích cực cho sân chơi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Chính phủ Indonesia đã thành lập Ủy ban quốc gia AEC với thành viên gồm đại diện của chính quyền trung ương, chính quyền cơ sở các cấp, doanh nhân, nghiệp đoàn lao động và các chuyên gia.

Nhiệm vụ chính của ủy ban là phân tích, đánh giá và đề xuất với chính phủ những công việc cần phải làm để chuẩn bị hội nhập AEC vào cuối năm 2015.

Chính phủ Indonesia đã ra những quy định mới nhằm khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, tăng thuế nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư, thương mại và tăng sức cạnh tranh,..

Về vấn đề tài chính, Chính phủ Indonesia đã phân bổ ngân sách đặc biệt dành cho các bộ, ngành liên quan triển khai các công tác cần thiết khi Indonesia gia nhập AEC.

Ngoài ra, chính phủ cũng đã thiết lập các cơ chế đặc biệt để giải quyết các vấn đề liên quan đến AEC, cung cấp đầy đủ thông tin về Cộng đồng ASEAN và ba trụ cột, đặc biệt là AEC, không chỉ tới các cơ quan chính phủ mà còn tất cả các thành phần xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và sinh viên.

Hiện nay, Indonesia đã thiết lập lộ trình cho những khu vực có khả năng phát triển mạnh khi AEC bắt đầu có hiệu lực, cụ thể là các ngành điện tử, ôtô, ximăng, dệt may và da giày đối với thị trường trong nước, các ngành liên quan đến nông nghiệp, thủy sản, nội thất, thực phẩm và đồ uống đối với thị trường Đông Nam Á.

Với dân số khoảng 253 triệu người (con số thống kê năm 2014), Indonesia sở hữu lực lượng lao động lớn, đóng góp vào dòng chảy lao động của ASEAN. Ước tính, từ năm 2020 đến 2030, hơn 65% dân số Indonesia nằm trong độ tuổi lao động. Như vậy, có thể nói lực lượng lao động lớn mạnh sẽ quyết định giá trị lợi ích mà Indonesia có được khi gia nhập AEC.

Khác với các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số như Singapore hay Thái Lan, lực lượng lao động tại quốc gia vạn đảo này được đánh giá là có tay nghề cao, ý tưởng sáng tạo phong phú. Do đó, để phát huy và tận dung lợi thế, Chính phủ Indonesia đã ban hành một số quy định mới.

Năm 2014, Hạ viện Indonesia đã thông qua dự luật lao động nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho tầng lớp lao động nước ngoài làm việc tại Indonesia một khi AEC được thành lập.

Một số điểm chính trong văn kiện này gồm: người lao động nước ngoài được phép làm việc tại AEC theo nhu cầu thực tế về nhân lực và nhu cầu phát triển khoa học - công nghệ mà chính phủ nước sở tại đề ra. Để có giấy phép lao động, người lao động nước ngoài phải có giấy đăng ký chứng chỉ tại Hiệp hội Người lao động Indonesia (PII).

Người lao động nước ngoài có thể tham gia các lĩnh vực như dịch vụ trong quản lý thiên tai hoặc tham vấn, … mà không cần giấy phép, song phải thông báo cho bộ, ngành nước sở tại trước khi bắt đầu làm việc.

Tham gia AEC, Indonesia sẽ là thị trường mở lớn nhất ở ASEAN với khoảng 55 triệu dân là lao động lành nghề, tỷ lệ dân số thành thị đang tăng nhanh và tương đối trẻ.

Indonesia kỳ vọng sẽ góp thêm khoảng 40 triệu người vào nhóm 45 triệu người có mức tiêu dùng lớn vào năm 2020 và tăng thêm khoảng 50 triệu người vào năm 2030. Cộng đồng ASEAN, với chính sách lưu thông tự do, sẽ mở ra cơ hội lớn hơn cho những người trẻ Indonesia khám phá các nước ASEAN khác.

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng đã ra những quy định mới nhằm khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, tăng thuế nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư, thương mại và tăng sức cạnh tranh quốc gia,…

Giới chuyên gia đã đưa ra một số kiến nghị để giúp Indonesia hội nhập sâu và hiệu quả vào AEC. Các ý kiến đều cho rằng chính phủ cần thiết lập chương trình quốc gia với sự tham gia của thành phần nhà nước và tư nhân nhằm cải thiện chất lượng cũng như số lượng sản phẩm xuất khẩu bằng cách đưa ra quy trình sản xuất, phân phối và kinh doanh xuyên suốt. Chính phủ cần kiểm soát chất lượng đầu ra của sản phẩm.

Ngoài ra, chính phủ cùng các bộ, ngành thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, sử dụng nguồn vốn trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Indonesia cần thúc đẩy tiến trình thực hiện Luật số 5 được thông qua năm 1999, theo đó cấm các hoạt động kinh doanh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Đây cũng là cơ sở pháp lý giúp Ủy ban Giám sát cạnh tranh thương mại của Indonesia xử lý những trường hợp vi phạm luật.

Nếu tận dụng được tối đa mọi tiềm năng, lợi thế của mình, quốc gia “vạn đảo” Indonesia hoàn toàn có thể trở thành một trong những thành viên hội nhập AEC thành công nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục