Indonesia vạch lộ trình chiến lược sử dụng hydro đến năm 2060

Theo chuyên gia Indonesia, nền kinh tế nước này tương lai sẽ không chỉ được hỗ trợ bởi dầu mỏ mà còn cả hydro, vì hydro có thể được dùng trong nhiều lĩnh vực từ lọc hóa dầu cho đến giao thông vận tải.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia Indonesia (BRIN) cho biết đang tiến hành đánh giá lộ trình chiến lược quốc gia trong việc sử dụng hydro đến năm 2060.

Phát biểu mới đây tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về hydro năm 2023, bà Eniya Listiani Dewi, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và chuyển đổi năng lượng thuộc BRIN, cho hay cơ quan này đã xác định nhu cầu quốc gia về hydro tới năm 2060.

Lộ trình trên nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ sử dụng hydro ở Indonesia.

Lộ trình này được chia làm ba phân đoạn, gồm triển khai các dự án hoặc nhà máy thí điểm; thương mại hóa hydro và thúc đẩy thâm nhập thị trường; và nâng cao giá trị kinh tế gia tăng.

[Triển vọng thị trường năng lượng hydro toàn cầu vào năm 2030]

Bà Dewi nhấn mạnh nền kinh tế Indonesia trong tương lai sẽ không chỉ được hỗ trợ bởi dầu mỏ mà còn cả hydro vì sản phẩm này có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ các nhà máy điện đến các cơ sở sản xuất công nghiệp như lọc hóa dầu, cũng như nhà ở và giao thông vận tải.

BRIN khuyến khích xây dựng một chiến lược hydro quốc gia không chỉ bao gồm tiềm năng mà còn cả chuỗi sản xuất, phân phối và sử dụng ở Indonesia, qua đó đảm bảo khu vực tư nhân về cam kết của chính phủ.

Cũng theo bà Dewi, khoảng 20 dự án của nhiều công ty đã triển khai nghiên cứu tiền khả thi về công nghệ hydro ở các khu vực Sumatra, Kalimantan, Sulawesi, Java, Sumba, Đông Nusa Tenggara và Papua.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu khả thi này, khu vực tư nhân muốn tìm kiếm lộ trình hoặc các cam kết, trong khi việc sử dụng năng lượng hydro cũng cần có thời gian. Do vậy, chính phủ cần nỗ lực giải quyết thông qua việc xây dựng lộ trình, ban hành các quy định và tiêu chuẩn, cũng như các cơ chế khuyến khích.

Bà Dewi cũng lưu ý thúc đẩy sử dụng hydro phải bắt đầu bằng việc sản xuất hydro xanh trong ngành công nghiệp, mặc dù hoạt động này mới chỉ được thực hiện ở quy mô nhỏ do giá cao. Dự kiến, giá hydro sẽ bắt đầu giảm vào năm 2030, song Indonesia không thể chờ đợi đến lúc đó vì có thể bị tụt hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục