Iran để ngỏ khả năng đối thoại không đi kèm điều kiện với Mỹ

Ngày 22/10, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết Tehran sẵn sàng đối thoại với Washington mà không cần điều kiện tiên quyết song lo ngại khó thực hiện đối thoại.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 22/10, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết Tehran sẵn sàng đối thoại với Washington mà không cần điều kiện tiên quyết, song các cuộc đối thoại như vậy khó có khả năng xảy ra chừng nào Mỹ còn tỏ ra thiếu tôn trọng nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh Iran không có điều kiện tiên quyết và điều Tehran cần là sự tôn trọng lẫn nhau, chứ không nhất thiết phải là lòng tin. Ông cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thúc đẩy đối thoại bằng việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với P5+1 vào năm 2015, cũng như ngừng áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương, điều mà Washington luôn cho rằng là hành động hợp pháp.

Nhà ngoại giao hàng đầu Iran nhận định việc Washington bất ngờ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân, vốn là thành quả của hơn hai năm đàm phán này, đã tạo ra sự hoài nghi đối về triển vọng Mỹ thực thi các thỏa thuận quốc tế khác.

Về khả năng Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, ông Zarif cho biết Tehran cần phải cân nhắc những lợi ích chính trị và kinh tế của việc duy trì thỏa thuận.

Đối với những nỗ lực của Anh, Pháp và Đức nhằm cứu vãn thỏa thuận, nhà ngoại giao hàng đầu của Iran nêu rõ các biện pháp nghiêm túc này cần được triển khai trước thời điểm các lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran có hiệu lực. Ông cho hay ba nước châu Âu này đã đưa ra cam kết và các đề xuất, song một số chi tiết kỹ thuật vẫn cần được làm rõ.

Hiện tại Iran vẫn duy trì được nền kinh tế thông qua việc bán dầu mỏ. Ông Zarif bày tỏ tự tin rằng Iran sẽ vượt qua được các lệnh trừng phạt do Mỹ và các nước đồng minh áp đặt, đồng thời cho biết nhiều nước đã thể hiện sẵn sàng giao thương với Iran. Ngoại trưởng Iran khẳng định ngoài ba nước châu Âu trên, các nước đánh giá tầm quan trọng của thỏa thuận như Nga, Trung Quốc và Nhật Bản đều đã sẵn sàng thực thi trách nhiệm của mình.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sau khi vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), và đến tháng 8, Washington áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nước này.

Mỹ yêu cầu các nước ngừng mua dầu của Iran kể từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả về tài chính. Tuy nhiên, các bên còn lại trong Nhóm P5+1 cùng với Iran vẫn cố gắng cứu vãn thỏa thuận và ngày 24/9 vừa qua đã nhất trí thúc đẩy thành lập một cơ chế đặc biệt để duy trì thương mại với Iran, trong đó có lĩnh vực dầu mỏ, nhằm tránh các trừng phạt của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục