Ngày 11/3, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian đã bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận hạt nhân "lâu dài" nếu Mỹ hành động "nhất quán."
Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Amirabdollahian nêu rõ: "Những nỗ lực để đạt được một thỏa thuận (hạt nhân) tốt và lâu dài vẫn tiếp tục; thỏa thuận đang trong tầm với nếu Mỹ hành động thực tế và nhất quán."
Ông nhấn mạnh "không bên nào có thể quyết định kết quả cuối cùng mà đòi hỏi một nỗ lực chung."
Trước đó một ngày, Iran cũng đã kêu gọi Mỹ rút lại những yêu cầu vô lý trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 hiện đang diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ).
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei khẳng định nước này sẽ không khuất phục trước những áp lực buộc Tehran phải giảm sức mạnh quân sự, sự hiện diện trong khu vực và tiến bộ trong công nghệ hạt nhân.
Ông cho biết Tehran từ lâu đã bác những yêu cầu trên và nhờ đó đã giúp Iran tránh được nhiều mối đe dọa lớn. Nhà lãnh đạo này cho rằng sự hiện diện của Iran trong khu vực giúp quốc gia này có thêm quyền lực và chiều sâu chiến lược.
Trong khi đó, những tiến bộ khoa học trong lĩnh vực hạt nhân liên quan tới các nhu cầu trong tương lai mà nếu từ bỏ Iran sẽ không thể mong chờ vào sự giúp đỡ nào khác.
Về phần mình, ngày 10/3, Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán ngoại giao với Iran nhằm đạt được thỏa thuận về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran với các cường quốc.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh quan điểm của Mỹ là các bên đã “gần” đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo: “Giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán bao giờ cũng là những cuộc thảo luận khó khăn và thách thức nhất.”
[Mỹ đánh giá thỏa thuận hạt nhân đã “ở gần”, Iran bày tỏ thận trọng]
Năm 2015, Iran đã ký Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân) với nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức. Tuy nhiên, tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Điều này đã khiến Iran từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận trên và thúc đẩy các chương trình hạt nhân đã tạm dừng trước đó. Các bên đã tổ chức 8 vòng đàm phán từ tháng 4/2021 và đến nay đang tiến đến giai đoạn cuối nhưng vẫn chưa đạt thỏa thuận. Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức tham gia đàm phán trực tiếp trong khi Mỹ tham gia gián tiếp./.