Phóng viên TTXVN tại Trung Đông đưa tin, ngày 14/6, Iran thông báo đã đạt được thỏa thuận với hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ, nhằm hiện đại hóa đội bay của nước này.
Truyền thông Iran dẫn lời Bộ trưởng Giao thông và Phát triển Đô thị Abbas Akhoundi nói rằng "thỏa thuận với hãng Boeing đã được hoàn tất và chi tiết của hợp đồng lớn này sẽ được công bố trong vài ngày tới."
Ông Akhoundi cho biết thêm Iran "có thể tiết kiệm ít nhất 5 triệu USD trong các cuộc đàm phán tiếp theo để đi tới một thỏa thuận mua sắm cuối cùng."
Trước đó, truyền thông Iran ngày 6/6 đưa tin người đứng đầu hãng hàng không quốc gia Iran Air, ông Farhad Parvaresh cho biết một "thỏa thuận mua máy bay lịch sử" với Boeing dự kiến sẽ được ký kết trong tương lai gần.
Các nguồn tin tại khu vực cho biết theo thỏa thuận Iran Air trang bị hơn 100 máy bay Boeing, bao gồm mua trực tiếp từ hãng này hoặc thuê từ các công ty cung cấp dịch vụ máy bay.
Boeing cũng tuyên bố đang theo đuổi tiến trình cấp phép của Chính phủ Mỹ để được tiếp cận thị trường hàng không Iran, vốn bị cấm vận gần 40 năm qua.
Theo đại diện của Boeing, hãng đã nộp đơn và đã được Chính phủ Mỹ cho phép đánh giá nhu cầu máy bay chở khách của các hãng hàng không Iran.
Điều này có nghĩa là Boeing được phép tiến hành dàn xếp và đàm phán hợp đồng với các hãng hàng không Iran được Chính phủ Mỹ chấp thuận.
Hồi tháng 1 vừa qua, Iran đã ký một thỏa thuận khổng lồ mua 118 máy bay có tổng trị giá 27 tỷ USD với hãng Airbus. Thỏa thuận được ký kết nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Iran Hassan Rouhani tới Pháp.
Ngoài Airbus và Boeing, Iran cũng đang đàm phán với một số nhà sản xuất máy bay khác bao gồm Bombardier và Embraer để đa dạng hóa các đối tác trong việc mua sắm máy bay.
Theo ông Parvaresh, Iran hiện sở hữu phi đội gồm 250 chiếc máy bay, tuy nhiên 90 chiếc không thể cất cánh vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc thiếu các phụ tùng thay thế.
Ước tính trong một thập kỷ tới nước này cần mua khoảng 400 máy bay mới để hiện đại hóa phi đội máy bay lạc hậu.
Tuy nhiên, cả Airbus và Boeing đều cần giấy phép xuất khẩu của Mỹ để thực hiện thỏa thuận với Iran bởi cả 2 hãng này sử dụng công nghệ quan trọng của Mỹ trong việc chế tạo các dòng máy bay hiện đại.
Theo các nguồn tin trong ngành công nghiệp hàng không, 2 thỏa thuận này khó có thể được thực hiện trong thời gian ngắn bởi tình trạng thiếu chắc chắn về tài chính khi hệ thống tài chính Mỹ vẫn đóng cửa với Iran.
Thỏa thuận của Airbus được thanh toán bằng đồng euro thay vì USD, loại ngoại tệ thường được các hãng chế tạo máy bay sử dụng, nhưng nhiều ngân hàng vẫn ngần ngại bảo đảm tài chính cho hợp đồng này bởi họ lo sợ có thể mất khoản tiền bảo lãnh nếu các biện pháp cấm vận Iran lại được áp đặt.
Hồi tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Washington không cấm các ngân hàng nước ngoài tiến hành giao dịch với Tehran theo những quy định của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức), tuy nhiên nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei cáo buộc Mỹ không tuân thủ thỏa thuận này./.