Iraq: Biểu tình lớn phản đối nạn thất nghiệp và dịch vụ công kém

Làn sóng biểu tình phản đối tình trạng thất nghiệp và trì trệ trong dịch vụ công ở miền Nam Iraq tiếp diễn sang ngày thứ 7 và lan sang các thành phố khác tại nước này, thậm chí cả ở Baghdad.
Người dân biểu tình phản đối tình trạng thất nghiệp và trì trệ trong dịch vụ công ở Baghdad, Iraq ngày 13/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Làn sóng biểu tình phản đối tình trạng thất nghiệp và trì trệ trong dịch vụ công ở miền Nam Iraq tiếp diễn sang ngày thứ 7 và lan sang các thành phố khác tại nước này, thậm chí cả ở thủ đô Baghdad.

Ngày 15/7, hàng trăm người biểu tình đã xông vào trụ sở chính quyền tỉnh Basra, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng vòi rồng, hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán đám đông.

Các nguồn tin cảnh sát cho hay đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và một số người biểu tình quá khích, khiến ít nhất 4 người bị thương.

Trong khi đó, giới chức địa phương cho hay các vụ biểu tình cho đến nay chưa ảnh hưởng đến hoạt động khai thác dầu thô tại thành phố cảng Basra.

Mọi hoạt động xuất khẩu dầu thô tại Basra mang lại 95% nguồn thu cho quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này, do vậy bất kỳ sự trì trệ nào sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Iraq cũng như khiến giá dầu thế giới tăng lên.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Iraq Haider Abadi đã cam kết giải ngân khoản đầu tư trị giá 3 tỷ USD cho tỉnh Basra và tăng ngân sách cho xây dựng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ.

Dịch vụ công yếu kém và tình trạng thất nghiệp cao lên tới 10,8%, trong khi cuộc sống đắt đỏ cùng với sự thiếu hụt các dịch vụ cơ bản là những nguyên nhân làm bùng phát làn sóng biểu tình tại tỉnh Basra từ đầu tháng Bảy và lan sang các tỉnh khác của Iraq.

[Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo công dân tránh xa những cuộc biểu tình tại Iraq]

Trước đó, ngày 14/7, hàng chục người biểu tình đã tuần hành tại nhiều nơi ở thành phố Basra, trong đó có các mỏ dầu West Qurna và Majnoon, phía Tây thành phố này, và cảng Umm Qasr.

Các vụ biểu tình còn diễn ra tại khu vực Safwan, gần biên giới với Kuwait.

Nhiều người biểu tình quá khích còn ném đá vào lực lượng cảnh sát, đốt lốp xe, phong tỏa nhiều con đường và tấn công tổ chức Badr được Iran bảo trợ.

Tình trạng căng thẳng này đã buộc chính quyền tỉnh Basra ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn tỉnh trong ngày 14/7.

Thống kê cho thấy đã có 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các vụ liên quan đến làn sóng biểu tình trên.

Làn sóng biểu tình còn lan sang tỉnh miền Nam Maysan, giáp với Iran.

Một số nhóm biểu tình đã tập trung trước trụ sở của các chính đảng, gồm đảng Dawa của Thủ tướng Iraq Abadi, và một vài nhóm đã có hành động quá khích.

Một vụ biểu tình quy mô nhỏ cũng đã diễn ra ở quận Al-Shula, phía Bắc thủ đô Baghdad.

Các vụ biểu tình nổ ra đúng vào thời điểm các đảng phái chính trị Iraq đang tiến hành đàm phán nhằm thành lập một liên minh lớn nhất trong quốc hội, để chuẩn bị cho một chính phủ mới sau khi quốc gia vùng Vịnh này tiến hành bầu cử quốc hội hồi tháng 5 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục