Ngày 10/6, các phần tử thánh chiến thuộc nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (ISIL) tiếp tục giành kiểm soát nhiều khu vực của hai tỉnh Salaheddin và Kirkuk ở miền Bắc Iraq, sau khi chiếm toàn bộ tỉnh Nineveh sau một ngày giao tranh với lực lượng chính phủ.
Theo các quan chức quân đội và địa phương, các tay súng ISIL đã tiến vào khu vực Siniyah và Sulaiman Bek thuộc tỉnh Salaheddin sau khi lực lượng an ninh rút khỏi đây.
Tại tỉnh Kirkuk lân cận, hàng trăm phiến quân đã tấn công vào các thị trấn có đông người Arab sinh sống gồm Hawijah, Zab, Riyadh, Abbasi và Rashad.
Theo một số nguồn tin, cảnh sát và quân đội đã rút khỏi các khu vực này trước khi các tay súng ISIL tràn vào.
Trước đó, phát biểu với báo giới tại Baghdad, Chủ tịch Quốc hội Iraq Osama al-Nujaifi xác nhận toàn bộ tỉnh Niveneh đã rơi vào tay phiến quân.
Các tay súng ISIL theo dòng Hồi giáo Sunni đã chiếm giữ trụ sở chính quyền tỉnh Nineveh, kiểm soát sân bay và thả hàng trăm tù nhân tại ba nhà tù ở tỉnh này.
Các cuộc giao tranh đã buộc hàng nghìn người phải sơ tán.
Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã yêu cầu Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời tuyên bố chính phủ sẽ trang bị vũ khí cho người dân để chống lại các phần tử thánh chiến và sẽ cơ cấu lại lực lượng an ninh.
Trước tình trạng bất ổn leo thang tại Iraq, Mỹ đã bày tỏ hết sức lo ngại về tình hình "đặc biệt nghiêm trọng" do hoạt động của các phần tử thánh chiến.
Trong một tuyên bố ngày 10/6, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nêu rõ "ISIL không chỉ là mối đe dọa đối với sự ổn định của Iraq mà đối với toàn bộ khu vực."
Washington cam kết hỗ trợ và phối hợp với Chính phủ Iraq đẩy lùi các hành động chống phá của ISIL.
Cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest lên án ISIL "bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất," đồng thời kêu gọi Thủ tướng al-Maliki và giới chức Iraq nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề tồn tại trên cơ sở đảm bảo lợi ích của toàn thể người dân.
Theo người phát ngôn trên, Mỹ đã bàn giao 300 tên lửa Hellfire cùng một số lượng lớn súng máy, rốckét phòng không và đạn dược các loại cho lực lượng an ninh Iraq nhằm hỗ trợ chính phủ nước này trong cuộc chiến chống phiến quân.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 10/6 cũng bày tỏ quan ngại đặc biệt trước tình hình an ninh đang xấu đi tại Iraq.
Theo phát ngôn viên Stephane Dujarric, Tổng thư ký Ban Ki-moon hối thúc tất cả các nhà lãnh đạo chính trị ở Iraq thể hiện sự đoàn kết dân tộc để chống lại những mối đe dọa mà nước này đang phải đối mặt.
Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ các mối đe dọa này chỉ được giải quyết trên cơ sở hiến pháp và trong khuôn khổ tiến trình chính trị dân chủ, đồng thời khẳng định Phái bộ Liên hợp quốc tại Iraq sẵn sàng ủng hộ những nỗ lực này.
Được coi là nhóm phiến quân mạnh nhất ở Iraq, ISIL không chỉ gây ra các vụ bạo lực đẫm máu tại quốc gia vùng Vịnh này mà còn tìm cách mở rộng hoạt động sang nước láng giềng Syria.
Hồi tháng Tư vừa qua, ISIL đã gia tăng hoạt động chống phá tại tỉnh Deir Ezzor của Syria giáp tỉnh Nineveh của Iraq, nhằm thực hiện ý đồ thành lập một nhà nước Hồi giáo dọc khu vực biên giới hai nước./.