Ngày 6/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cam kết với Quốc vương Jordan Abdullah II rằng Israel không có kế hoạch thay đổi hiện trạng của đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem bằng việc cho phép người Do Thái cầu nguyện ở đây.
Tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết tại cuộc đàm thoại với Quốc vương Jordan, ông Netanyahu tái khẳng định cam kết duy trì hiện trạng của khu Núi Đền (Temple Mount) - cách gọi khu vực Al-Aqsa của Israel - cũng như quy chế đặc biệt của Jordan tại khu vực này.
Lãnh đạo hai nước kêu gọi chấm dứt ngay tình trạng bạo lực cũng như cam kết nỗ lực ổn định tình hình tại Al-Aqsa.
Hiện người Do Thái được phép đến thăm khu đền Al-Aqsa nhưng không được cầu nguyện vì lo ngại sẽ gây xích mích giữa các nhóm tôn giáo tại một trong những thánh địa nhạy cảm nhất ở Trung Đông này.
Theo hiệp ước hòa bình Israel-Jordan được ký kết năm 1994, Amman có quyền quản lý đối với đền thờ Al-Aqsa và các địa điểm Hồi giáo linh thiêng khác ở Đông Jerusalem.
Cuộc đàm thoại của lãnh đạo hai nước diễn ra chỉ một ngày sau khi Jordan triệu hồi đại sứ nước này tại Israel để phản đối những động thái vi phạm thỏa thuận tại Al-Aqsa. Thủ tướng Jordan Abdullah Ensour cũng yêu cầu chính thức đệ đơn khiếu nại Israel lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Al-Aqsa trở thành điểm nóng về an ninh tại Jerusalem trong hơn một tuần qua, đặc biệt sau khi một nhóm bộ trưởng và nghị sỹ Israel yêu cầu chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm người Do Thái được cầu nguyện tại khu đền thờ linh thiêng này.
Một số chính khách Israel cũng công khai tới Al-Aqsa, hành động người Palestine cho là khiêu khích và phản đối bằng bạo lực.
Ngày 6/11, cảnh sát Israel đã ngăn chặn một nhóm khoảng 150 nhà hoạt động Do Thái cực đoan tuần hành và tiếp cận đền thờ Al-Aqsa để phản đối tình trạng bất ổn tại Jerusalem.
Trong khi đó tại Bờ Tây, các cuộc xung đột giữa lực lượng an ninh Israel và những người Palestine quá khích đã bùng phát dữ dội tại khu vực gần một nhà tù của Israel.
Cảnh sát Israel đã sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông người Palestine tức giận phản đối việc Tel Aviv bắt giữ 31 người Palestine trong một cuộc truy bắt trước đó.
Trong diễn biến cùng ngày, Israel đã cho phép người Palestine vận chuyển nông sản từ Dải Gaza tới Bờ Tây bị chiếm đóng thông qua lãnh thổ Israel.
Giới chức Israel cho biết việc cho phép vận chuyển, vốn bị cấm sau khi phong trào Hồi giáo Hamas giành quyền kiểm soát Dải Gaza vào năm 2007, là nhằm mục đích khôi phục nền kinh tế tại dải đất ven biển này sau cuộc chiến 50 ngày vừa qua./.