Israel chia sẻ "kinh nghiệm xương máu" đối phó với hạn hán

Dù thường xuyên đối mặt với nguy cơ hạn hán, Israel hiện là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu, không những đáp ứng đủ cho 95% nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu nông sản.
Khách tham quan công nghệ nước ở Israel. (Ảnh: Bùi Hoàn/Vietnam+)

Nằm giữa khu vực Trung Đông khô cằn, Israel có diện tích hơn 22.000km2, trong đó 60% diện tích là sa mạc và thường xuyên đối mặt với nguy cơ hạn hán.

Bất chấp những thực tế khắc nghiệt này, Israel hiện là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu, không những đáp ứng đủ cho 95% nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường khác.

Để đạt được thành quả đó, Israel đã có chiến lược đúng đắn nhằm bảo tồn nguồn nước, tái chế, phát triển công nghệ và quản lý nguồn nước cũng như nâng cao nhận thức của người dân.

Israel giờ đây không những có đủ nguồn cung nước, mà thậm chí có tiềm năng chia sẻ tài nguyên nước với các quốc gia láng giềng.

Đây là một cuộc cách mạng ấn tượng bởi chỉ cách đây vài năm, quốc gia nằm tại một trong những khu vực khô hạn nhất thế giới này phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng.

Israel đã làm gì để tạo nên bước đột phá quan trọng nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng nước?

Biến sa mạc thành vùng đất nông nghiệp trù phú

Lúa mọc trên sa mạc. (Ảnh: Bùi Hoàn/Vietnam+)

Ngay từ khi lập quốc năm 1948, Israel đã lên kế hoạch, dự báo và xây dựng hạ tầng, chính sách, nghiên cứu công nghệ để chống hạn.

Mật độ dân cư đông đúc hàng đầu thế giới tập trung chủ yếu ở các vùng đô thị và khu vực duyên hải tạo áp lực rất lớn đối với các nhà hoạch định chính sách.

Israel đã đương đầu với những thách thức về nguồn nước thông qua ba biện pháp: thiết lập các cơ sở lớn để khử muối trong nước biển, khuyến khích người dân tiết kiệm nước và đầu tư vào việc kết nối dân cư với các nhà máy xử lý nước thải cũng như cải thiện khả năng xử lý nước thải.

Israel đã phát triển một hệ thống tái chế, tinh lọc, tích trữ và chuyển nước thải đã qua xử lý nhằm đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho nông nghiệp.

Ý tưởng mang tính cách mạng về sử dụng nước thải tái chế cho nông nghiệp được đưa ra từ những năm 1980, khi các nguồn nước tự nhiên tại quốc gia này không đủ để hỗ trợ cho ngành nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Đây là mô hình sinh thái tái sinh khá hoàn hảo.

Nước thải từ các hộ gia đình ở các khu đô thị được xử lý tại các nhà máy, rồi đưa vào tưới cho các cánh đồng kế bên, thậm chí trên cả những vùng đất sa mạc không hề có giọt mưa nào.

Chuyên gia về xử lý nước thuộc công ty đầu tư S&TLanka, ông Israel Teiblum cho biết cách đây 60 năm, Israel đã thực hiện dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất thế giới, với tổng chiều dài 250km, đưa nước từ hồ Galilee ở phía Bắc Israel tới thành phố Tel Aviv và khu vực sa mạc.

Nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi. Israel không dùng nước sạch cho tưới tiêu trong nông nghiệp nữa mà dùng nước tái chế từ nước thải từ các khu dân cư.

Chuyên gia Teiblum nhấn mạnh: "Chính điều này về cơ bản đã biến sa mạc và những vùng đất khô cằn thành khu vực nông nghiệp chính của Israel."

Hiện Israel tái chế tới gần 90% lượng nước thải, trong đó khoảng 75% nguồn nước này (khoảng 400 triệu m3 nước tái chế mỗi năm) được dùng để tưới cho cây trồng, đáp ứng một nửa tổng lượng nước dùng cho nông nghiệp.

Tỷ lệ này cao gấp nhiều lần so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Không dừng lại ở đó, Israel đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có thể tái sử dụng tới 95% lượng nước thải để phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp.

Chìa khóa công nghệ

Cơ sở xử lý nước Shafdan. (Ảnh: Bùi Hoàn/Vietnam+)

Trong suốt hơn 15 năm qua, Israel luôn đi đầu về xử lý nước thải thành nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, nước này cũng áp dụng các công nghệ biến nước mặn thành nước ngọt dù chi phí khử mặn cao gấp đôi so với chi phí tái chế nước thải.

Bước đột phá trong việc xử lý nước biển là công nghệ màng khử mặn đã giúp giảm đáng kể chi phí, từ 1 USD mỗi m3 xuống còn 40 cent mỗi m3.

Trong vòng 10 năm, Israel đã xây dựng năm nhà máy khử mặn dọc theo bờ Địa Trung Hải tại các thành phố Ashkelon, Ashdod, Sorek, Palmachim và Hadera, với chi phí khoảng 400 triệu USD mỗi cơ sở.

Những nhà máy này do tư nhân sở hữu nhưng được nhà nước đảm bảo bằng việc mua sản phẩm nước và bán cho người dân. Israel hiện sản xuất hơn 300 triệu m3 nước ngọt từ công nghệ này, cung cấp tới 50% nhu cầu về nước uống, nước sinh hoạt và dự kiến tăng lên 70% vào năm 2050.

Đây quả là điều phi thường nếu biết rằng chỉ khoảng 10 năm trước, người dân Israel sống trong cảnh khan hiếm nguồn nước, trong khi giờ đây nguồn cung đã vượt cầu.

Nhờ đáp ứng được nhu cầu về nước, Israel có thể tập trung vào việc lên kế hoạch dài hạn hơn về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị.

Bên cạnh giải pháp chống hạn nói trên, Israel cũng phát triển nhiều công nghệ tiên tiến nhằm tiết kiệm và tăng tối đa hiệu quả sử dụng nước cho nông nghiệp, trong đó được biết đến nhiều nhất là phương pháp tưới nhỏ giọt.

Theo các chuyên gia, phương pháp tưới tràn làm lãng phí khoảng một nửa lượng nước do bay hơi, trong khi tưới nhỏ giọt đạt hiệu quả tới 90-95% lượng nước và tăng sản lượng vụ mùa.

Tại Israel hiện có tới 75% cánh đồng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và 25% còn lại được tưới phun mưa.

Thay đổi nhận thức

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Israel cũng hiểu rằng việc quản lý và đảm bảo an ninh nguồn tài nguyên nước phải được thực hiện một cách toàn diện, bắt đầu từ giáo dục.

Năm 2012, Israel đã phát động một chiến dịch quốc gia rất thành công về tiết kiệm nước, đưa ý thức bảo tồn nguồn nước vào chương trình giáo dục từ bậc mẫu giáo để dạy trẻ về giá trị của nước và cách tiết kiệm nước.

Bên cạnh đó, Israel cũng phát động các chiến dịch quảng cáo nhằm thúc đẩy việc bảo tồn và xây dựng ngành nước riêng xung quanh việc tái chế nước thải.

Người dân được dạy cách sử dụng nước hiệu quả, không lãng phí, cũng như bảo vệ môi trường và các nguồn nước. Điều này đã trở thành triết lý sống của người Israel.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cộng với biến đổi khí hậu và sự suy giảm nguồn tài nguyên, đã ảnh hưởng tới người dân và môi trường khắp thế giới.

Năm 2011, chính phủ Israel đã quyết định xây dựng kế hoạch quốc gia để phát triển xanh, tập trung vào việc tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi tác động xấu tới môi trường.

Kế hoạch này dựa trên nhận thức rằng môi trường có thể làm động cơ để thúc đẩy hiệu quả việc tiết kiệm tài nguyên và tăng trưởng kinh tế, cũng như phát triển những ngành công nghệ sạch mới, tạo việc làm, củng cố hạ tầng xã hội và tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Những giải pháp và hướng đi đúng đắn cùng với khả năng xử lý, quản lý và bảo tồn nguồn nước hiệu quả đã giúp Israel chuyển mình từ một vùng đất khô hạn thành quốc gia có nguồn nước dồi dào hàng đầu khu vực.

Trong suốt 60 năm qua, Israel phải gắng sức chống đỡ những mùa Đông khô hạn và mùa Hè nóng bỏng, nhưng quốc gia này giờ đây đã không còn phải lo lắng về nguồn nước nữa, ngay cả khi phải trải qua những đợt hạn hán nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục