Italy-Áo căng thẳng quan hệ vì trạm kiểm soát biên giới

Quan hệ giữa Italy và nước láng giềng Áo đã trở nên căng thẳng sau khi chính quyền Vienna tuyên bố thực hiện việc lắp đặt các trạm kiểm soát dọc tuyến biên giới hai nước.
Người di cư đến châu Âu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Quan hệ giữa Italy và nước láng giềng Áo đã trở nên căng thẳng sau khi chính quyền Vienna tuyên bố thực hiện việc lắp đặt các trạm kiểm soát dọc tuyến biên giới giữa Italy và Áo nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ Italy sang.

Phát biểu từ Teheran trong chuyến thăm Iran hai ngày, Thủ tướng Italy Matteo Renzi khẳng định rằng "Áo vẫn là bạn của Italy" nhưng Italy kêu gọi Áo phải "tôn trọng" các quy định của EU và không có những hành động nhằm gây ảnh hưởng xấu đến Hiệp ước Schengen về tự do đi lại trong khối.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano đã gọi hành động của Áo là "không thể giải thích được."

Đáp trả những bình luận của phía Italy, Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leinter tuyên bố phản ứng của Italy là "không thể hiểu được" trong khi Thủ tướng Werner Faymann bảo vệ quyết định của chính phủ Áo khi cho rằng việc lắp đặt các trạm kiểm soát và dựng lên các hàng rào ở biên giới với Italy là "đúng đắn và cần thiết."

Từ hơn một tháng nay, phía Áo đã công khai tỏ ra lo ngại nguy cơ dòng người tràn vào Áo từ phía Italy sẽ tăng vọt sau khi tuyến đường Balkan bị đóng lại và thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ về người di cư có hiệu lực.

Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Áo Mikl-Leinter ước tín sẽ có khoảng 300.000 người di cư bằng đường biển đổ bộ vào Italy trong năm 2016, gấp đôi năm ngoái. Do đó, việc gia tăng kiểm soát dọc các tuyến đường bộ từ Italy sang Áo là cần thiết và không thể chậm trễ.

Theo dự kiến, hệ thống hàng rào dài 250 mét cắt ngang tuyến đèo Brenner, con đường cao tốc huyết mạch nối từ Italy sang Áo, sẽ hoàn thiện trong thời gian ngắn. Nhiều đoạn đường núi khác từ Italy sang Áo cũng sẽ được tăng cường kiểm soát. Áo cũng đã quyết định điều hơn 1.000 lính quân đội để hỗ trợ lực lượng biên phòng.

Theo phía Italy, việc Áo gia tăng kiểm soát các tuyến biên giới với nước này có thể sẽ dẫn đến những thiệt hại rất lớn về kinh tế cho Italy, khi việc kiểm soát chặt chẽ hơn gây ùn tắc cho các tuyến biên giới và dẫn đến thời gian di chuyển bằng đường bộ của hàng hóa từ Italy sang châu Âu qua đèo Brenner lâu hơn, tốn kém hơn, ước tính hơn 1 triệu euro mỗi ngày.

Áo là nước nằm trên tuyến đường chuyên chở hàng hóa xuất khẩu của Italy sang Đức, đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong khối EU. Năm ngoái, có khoảng 1,9 triệu xe tải chở hàng hóa đã qua tuyến đèo Brenner, tăng 4% so với năm 2014.

Tuy nhiên, nỗi lo ngại lớn từ phía các giới chức Italy không chỉ về kinh tế. Việc thực thi thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ dẫn tới việc dòng người di cư sang châu Âu sẽ chuyển hướng, không đi qua con đường Balkan đã bị đóng lại, mà từ Libya, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Montenegro và Albania vượt biển sang Italy.

Việc Áo và trước đó là Pháp tăng cường kiểm soát biên giới có khả năng sẽ đẩy Italy vào tình trạng bị cô lập với EU và gia tăng các vấn đề nghiêm trọng nội tại, khi số người di cư tới Italy không thể di chuyển lên các nước Bắc Âu để xin quy chế tị nạn.

Thống kê của Bộ Nội vụ Italy cho hay kể từ đầu năm tới nay, số người di cư tới Italy bằng đường biển đã lên tới hơn 20.000 người, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục