Theo phóng viên TTXVN tại Italy, khoảng cách về tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với liên minh cầm quyền và các đảng đối lập ngày càng bị thu hẹp lại, có nguy cơ dẫn đến một viễn cảnh rằng, nếu tổng tuyển cử sớm được diễn ra, phe trung tả cầm quyền có khả năng sẽ thất cử.
Kết quả thăm dò trong tháng 12 của Viện nghiên cứu dư luận Ipsos đang trên nhật báo hàng đầu Corriere della Sera cho thấy, đảng Dân chủ (Pd), đảng lớn nhất Italy hiện tại, chỉ còn giành được sự ủng hộ của 31,2% , giảm 3% so với đầu năm.
Đây là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất với Pd kể từ khi người đứng đầu đảng này là ông Matteo Renzi lên nắm chức Thủ tướng Italy vào cuối tháng 2 năm ngoái.
Theo Corriere della Sera, sự sút giảm nghiêm trọng này là do các cử tri thất vọng với những gì đảng Pd và chính phủ liên minh đã làm được trong năm qua, trong khi các bê bối liên quan đến tham nhũng và các tranh cãi gây chia rẽ từ các chính sách được thông qua đã khiến tỷ lệ ủng hộ với họ giảm xuống nhanh chóng.
Trong khi đó, Phong trào 5 Sao (M5S), phong trào dân túy có tỷ lệ ủng hộ rất cao ở Italy, đã củng cố vị trí là đảng đối lập lớn nhất với Pd khi đạt 29%, chỉ còn cách Pd 2 điểm và đây là cách biệt mong manh nhất mà họ đạt được với đảng cầm quyền trong gần hai năm qua.
M5S đã tăng được 8 điểm so với đầu năm 2015, tận dụng được sự bất mãn và thất vọng của cử tri đối với Pd và chính phủ trong nhiều vấn đề lớn của đất nước để giành thêm sự ủng hộ.
Theo Corriere della Sera, thành công của M5S là do phe trung-hữu chia rẽ và những bất ổn trong nội bộ của Pd đã khiến nhiều cử tri coi đảng này như là một niềm hy vọng trong hoàn cảnh nền chính trị Italy đang bất ổn.
Corriere della Sera cho rằng, nếu các lực lượng trung-hữu đoàn kết lại và cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào thời điểm này, theo luật bầu cử mới, Pd, M5S và các đảng trung-hữu hợp nhất có thể sẽ phải bầu cử thêm vòng hai để chọn ra liên minh chiến thắng.
Nhưng nếu lực lượng trung-hữu vẫn tiếp tục chia rẽ, cuộc đấu Pd và M5S sẽ có kết quả bất lợi cho Pd, khi có thể thua M5S tới 5 điểm. Nhật báo này cho rằng, Pd sẽ phải làm tất cả những gì có thể để tránh một viễn cảnh xấu như thế.
Cuộc khủng hoảng niềm tin liên quan đến việc chính phủ đưa ra sắc lệnh về việc cứu 4 ngân hàng bị rơi vào cảnh phá sản, trong đó có một ngân hàng mà cha của một bộ trưởng chính phủ Italy làm phó chủ tịch, đã càng khiến cho uy tín của Pd xuống hơn nữa vào giai đoạn này.
Uy tín cá nhân của Thủ tướng Matteo Renzi trong tháng cuối năm cũng chỉ đạt 38%, thấp nhất kể từ ngày ông lên nắm quyền.
Theo Corriere della Sera, sự sụt giảm này là do uy tín của chính phủ cũng xuống thấp. Đứng ngay phía sau Renzi là ông Matteo Salvini, đứng đầu đảng Liên đoàn Phương Bắc có xu hướng chống nhập cư, với 37%, và Luigi di Maio, lãnh đạo trẻ của M5S, với 36%./.