Chính phủ Italy sẽ làm tất cả để đưa đất nước khỏi khủng hoảng, với ưu tiên hàng đầu trong năm mới 2015 là tăng cường các cải cách, trong đó có cải cách hàng đầu là luật bầu cử.
Đó là tuyên bố của Thủ tướng Italy Matteo Renzi trong cuộc họp báo cuối năm của chính phủ nước này hôm 29-12.
Ông Renzi khẳng định rằng, chính phủ sẽ thúc đẩy dự luật cải cách bầu cử ngay từ đầu năm mới, và hy vọng Thượng viện sẽ đọc xong trong tháng 1-2015, trước khi dự luật được chuyển xuống Hạ viện xem xét trước khi thông qua và trở thành luật.
Theo báo chí Italy, việc thúc đẩy thông qua dự luật này không đơn giản, bởi các đảng phái chính trị đối lập đã yêu cầu thực hiện tới 15 nghìn sửa đổi trong dự thảo luật, nhưng Italy vẫn có khả năng đứng trước nguy cơ tổng tuyển cử trước thời hạn, một khi đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền và Thủ tướng Renzi tận dụng ưu thế ủng hộ cao của cử tri để tiến hành tổng tuyển cử trước khi luật mới có hiệu lực.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, ông Renzi tuyên bố rằng, ông để ngỏ khả năng sẽ áp dụng một điều khoản trong văn bản nhằm đảm bảo cho luật bầu cử sẽ chỉ có hiệu lực sau năm 2016.
Nhận xét về tình hình kinh tế, Thủ tướng Renzi thừa nhận rằng, Italy đã bị ảnh hưởng bởi một cảm giác “lo lắng, mệt mỏi và thiếu niềm tin”, do rơi vào cuộc suy thoái kinh tế lần thứ 3 trong vòng 6 năm qua.
Tuy nhiên, ông khẳng định rằng, 2015 sẽ là năm bước ngoặt và ông sẽ là người chịu trách nhiệm chính, nếu như những cải cách mà chính phủ đưa ra không xoay chuyển được tình hình kinh tế trong năm mới.
Các số liệu của Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) cho biết, tăng trưởng GDP của nước này trong Quý III đang ở mức âm 0,5% so với cùng kì 2013. Theo ISTAT, nếu tăng trưởng của Italy trong Quý IV-2014 ở mức 0%, tăng trưởng GDP cả năm của Italy sẽ đạt mức âm 0,4% so với năm 2013. Điều đó khẳng định rằng, suy thoái kinh tế ở Italy còn có khả năng kéo dài và hiện chưa có dấu hiệu nào của sự phục hồi.
Thủ tướng Renzi kết luận rằng, 2015 là một năm có ý nghĩa bản lề đối với Italy và chính phủ cảm thấy “sự cấp bách” cần phải đẩy nhanh các cải cách về chính trị, kinh tế, giáo dục và thuế, đồng thời hứa sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng mà ông thừa nhận là căn bệnh trầm kha của Italy.
Các cuộc thăm dò dư luận trong tháng 12 ở Italy cho thấy, uy tín của chính phủ và đảng Pd cầm quyền đã tăng nhẹ sau khi tụt giảm nghiêm trọng tháng 11, chủ yếu do đạo luật cải cách lao động gây nhiều tranh cãi.
Cuộc thăm dò của Viện nghiên cứu dư luận Demos công bố hôm 21-12 cho thấy, chính phủ đạt 46% ủng hộ của cử tri, tăng 3% so với tháng 11, tháng họ đã tụt 13% so với tháng trước đó. Trong khi đó, có thêm 0,7% cử tri ủng hộ đảng Pd, đạt 37%.
Tuy nhiên, tháng 12 chứng kiến tháng thứ 3 liên tiếp Thủ tướng Renzi sa sút uy tín. Tháng cuối năm, tỉ lệ cử tri ủng hộ ông chỉ còn 50%, giảm 2% so với tháng 11 và giảm 12% so với tháng 10-2014./.