Theo phóng viên TTXVN tại Roma, cuộc triển lãm ảnh mang tên "Bellissime, Icone di Ieri nella Roma di Oggi" (Người đẹp, biểu tượng của hôm qua trong Roma ngày nay) trưng bày những bức ảnh của các nữ minh tinh những năm 1950 đã được tổ chức tại rạp chiếu bóng thuộc Villa Borghese, thành phố Roma, Italy.
Triển lãm trên là một phần trong Liên hoan phim Quốc tế Roma, diễn ra từ ngày 8-17/11.
26 bức ảnh đen trắng của các nữ diễn viên như Liz Taylor, Audrey Hepburn và Marilyn Monroe được trình bày không quá khác thường theo phong cách Polaroid. Các bức ảnh được đặt lồng ghép trong khung cảnh một số điểm tham quan nổi tiếng nhất của thành phố vĩnh cửu Roma.
Các bức ảnh được sáng tạo bởi Antonio Barrella, người sử dụng máy ảnh Polaroid để kết hợp những bức hình riêng biệt với nhau nhằm tái hiện hình ảnh của thủ đô Italy giai đoạn những năm 1950. Barrella gọi đó là "sáng tạo huyền ảo" kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai của Roma.
Trong không gian triển lãm, kèm theo các bức ảnh là một bộ phim câm, chủ yếu phim đen trắng, được lấy từ clip của các nữ diễn viên trong phim hoặc bộ sưu tập trình diễn thời trang.
Stefano Dominella, người tổ chức và xúc tiến sự kiện trên cho biết, đây là cách thức tìm hiểu các biểu tượng vượt thời gian đại diện cho niềm hy vọng cho tương lai của Italy. Ông nói: "Đây không phải là triển lãm hoài cổ, mà là sự sáng tạo một Roma hậu hiện đại thông qua hình ảnh các minh tinh màn bạc nổi tiếng thế giới."
Những bộ phim Italy những năm 1950 của đạo diễn Paolo Pasolini và Federico Fellini đã mang các nữ diễn viên Hollywood và sự chú ý của phương tiện truyền thông quốc tế tới thảm đỏ của Roma, làm dấy lên một niềm đam mê trên toàn thế giới đối với Italy. Một số bộ phim được thực hiện trong kỷ nguyên vàng của Italy.
Cũng vào những năm 1950, thời trang Italy bùng nổ trên sàn sân khấu quốc tế. Điều này một phần do các minh tinh màn bạc đã khoác lên mình những bộ thiết kế của nhà tạo mẫu Italy như Roberto Capucci và Fernanda Gattinoni, do đó họ đã trở thành "đại sứ" của thời trang Italy với thế giới.
Vào thời điểm đó, mọi người mong muốn khoác lên mình những bộ quần áo thời trang giống các minh tinh và Milan đã bắt đầu vượt qua Paris trở thành kinh đô thời trang của thế giới. Stefano Dominella, đồng thời là phó chủ tịch của Hiệp hội thời trang Unindustria nhận định, “đây là thời đại mà nhãn mác “made in Italy” được sinh ra.
Bằng cách đặt hình ảnh những minh tinh màn bạc mang tính biểu tượng và vượt thời gian trong khung cảnh Roma ngày nay, Dominella hy vọng người xem sẽ cảm nhận được sự hấp dẫn của Roma là vô tận. Ông nói rằng cuộc triển lãm tượng trưng "niềm hy vọng cho tương lai và khám phá về thời kỳ hàng dệt may, thời trang và ngành công nghiệp điện ảnh của Italy từ lần đầu tiên chiếm được sự chú ý của thế giới, qua đó có thể tái tạo thời kỳ hoàng kim của Italy một lần nữa.”
Mặc dù nền điện ảnh Italy đã lùi xa dần trên sân khấu thế giới từ những năm 1950 và thập niên 60, nhưng Dominella lạc quan về tương lai của nó. Dominella cho rằng ngày này, nền điện ảnh Italy đang đi theo xu hướng mới với đội ngũ đạo diễn sẵn sàng nắm bắt cơ hội như Paolo Virzi, Gabriele Salvatores và Paolo Sorrentino và chắc chắn họ sẽ là những Fellini của tương lai./.