KCNA: Triều Tiên sẽ cắt các đường dây liên lạc với Hàn Quốc

Triều Tiên sẽ cắt các đường dây liên lạc quân sự và chính trị với Hàn Quốc vào ngày 9/6 sau những đe dọa liên quan tới các nhà hoạt động gửi truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới liên Triều.
KCNA: Triều Tiên sẽ cắt các đường dây liên lạc với Hàn Quốc ảnh 1Binh sỹ Hàn Quốc tuần ra dọc hàng rào biên giới giữa hai miền Triều Tiên, tại Ganghwa, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này sẽ cắt các đường dây liên lạc quân sự và chính trị với Hàn Quốc vào ngày 9/6 sau những đe dọa liên quan tới các nhà hoạt động gửi truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới liên Triều.

Theo KCNA, Bình Nhưỡng "sẽ cắt đứt hoàn toàn và đóng đường dây liên lạc giữa các giới chức Triều Tiên và Hàn Quốc vốn được duy trì thông qua văn phòng liên lạc chung liên Triều" cũng như các đường dây liên lạc khác "từ 12 giờ ngày 9/6/2020."

[Hàn Quốc sẽ tuân thủ thỏa thuận liên Triều dù bị Triều Tiên chỉ trích]

Trước đó, ngày 8/6, Mỹ tuyên bố ủng hộ việc hợp tác liên Triều và sẽ phối hợp với Hàn Quốc nhằm đảm bảo sự hợp tác này sẽ song hành với tiến bộ đạt được trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Mỹ ủng hộ sự hợp tác liên Triều và phối hợp với đồng minh Hàn Quốc nhằm đảm bảo việc hợp tác liên Triều đi cùng với tiến bộ trong vấn đề phi hạt nhân hóa."

Hôm 5/6, Bộ Mặt trận Thống nhất Triều Tiên (UFD) - cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều, tuyên bố sẽ hủy bỏ văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn biên giới Kaesong ở Triều Tiên nếu Seoul không có hành động ngăn chặn tình trạng thả tờ rơi có nội dung chống Bình Nhưỡng vào lãnh thổ Triều Tiên.

Trong phản hồi chính thức 2 ngày sau đó, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định vẫn tuân thủ thực hiện các thỏa thuận đã đạt được giữa các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên, như Tuyên bố Panmunjom - thỏa thuận giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong Hội nghị thượng đỉnh tại làng đình chiến Panmunjom hồi tháng 4/2018.

Trong thời gian qua, quan hệ liên Triều đã gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Wasington rơi vào bế tắc, kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.