Hội đồng Luật sư của Tòa án Công lý châu Âu ngày 14/1 đã hoàn thành công tác thẩm định và công nhận kế hoạch mua trái phiếu của các nước gặp khó khăn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là hợp pháp nhưng phải tuân theo những điều kiện nhất định.
Theo kết luận của Hội đồng Luật sư, nếu triển khai chương trình mua trái phiếu, ECB phải tuân thủ ba điều kiện gồm từ bỏ vai trò trong các chương trình cứu trợ cho các nước gặp khủng hoảng nợ (như trường hợp Hy Lạp hiện nay), phải giải trình được các nội dung liên quan đến kế hoạch mua trái phiếu của một nước cụ thể và cuối cùng, phải tiến hành các bước một cách thận trọng, bảo đảm giá mua là phù hợp với giá trị thị trường.
Trước đó, vào tháng 9/2012, ECB đã thông báo kế hoạch mua vào không giới hạn trái phiếu của các nước gặp khủng hoảng nợ ở châu Âu.
Mặc dù đến nay ECB vẫn chưa tiến hành chương trình này song tuyên bố vào thời điểm căng thẳng của cuộc khủng hoảng khi đó được xem đã có tác dụng lớn trong việc ổn định tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, kế hoạch trên đã vấp phải sự phản đối từ nhiều chuyên gia kinh tế và cả một bộ phận người dân châu Âu.
Những người này cho rằng, chương trình mua trái phiếu như vậy là không được phép vì vi phạm các nội dung của Hiến pháp châu Âu.
Vào tháng 2/2014, Tòa án Hiến pháp liên bang Đức đã tiếp nhận các đơn khiếu kiện về sự việc và sau đó ra phán quyết chương trình này vượt quá chức năng, nhiệm vụ của ECB, đồng thời gửi hồ sơ vụ việc lên Tòa án châu Âu xem xét xử lý.
Tới đây Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Công lý châu Âu sẽ xem xét và đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc dựa trên kết luận của Hội đồng Luật sư.
Dự kiến, ngày 22/1 tới, ECB cũng sẽ có phiên họp quan trọng để thảo luận về kế hoạch mua trái phiếu.
Theo ECB, chương trình này không chỉ hướng đến mục tiêu hỗ trợ các nước khó khăn về vốn và thanh khoản mà còn nhằm đối phó với tình trạng giảm phát hiện nay ở khu vực./.