ECB thực hiện kích thích kinh tế khi Eurozone rơi vào giảm phát

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên sớm thực các biện pháp kích thích kinh tế, trong đó có gói nới lỏng định lượng (QE), nhằm giảm bớt nguy cơ giảm phát của khu vực này.
ECB thực hiện kích thích kinh tế khi Eurozone rơi vào giảm phát ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: www.ibtimes.co.uk)

Giới quan sát nhận định số liệu lạm phát mới công bố của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) ngày 7/1 đã một lần nữa cho thấy tính cấp thiết của việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên sớm thực các biện pháp kích thích kinh tế, trong đó có gói nới lỏng định lượng (QE), nhằm giảm bớt nguy cơ giảm phát của khu vực này.

Báo cáo của Eurostat cho hay giá tiêu dùng tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 12/2014 đã giảm 0,2% so với một năm trước đó, lần đầu tiên rơi vào giới hạn tăng trưởng âm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Đây là mức giảm rất mạnh nếu nhìn vào tỷ lệ lạm phát 0,3% trong tháng 11/2014, làm dấy lên mối lo ngại giảm phát ở khu vực có 19 quốc gia châu Âu (sau khi Litva gia nhập từ ngày 1/1/2015) này.

Sự sụt giảm nguy hiểm trên chủ yếu do giá dầu hạ và là nguyên nhân chính khiến giá cả trong Eurozone giảm.

Giá năng lượng ở Eurozone đã giảm mạnh tới 6,3% trong tháng 12/2014, so với mức giảm 2,6% của tháng trước đó. Còn số liệu ở các khu vực khác vẫn ổn định, với giá thực phẩm, đồ uống và hàng công nghiệp trong tháng 12 không thay đổi, tăng 0,7% (bằng tháng 10 và 11), tuy vẫn kém xa mức mục tiêu tăng gần 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra trước đó.

Xu hướng giá giảm kéo theo tâm lý trì hoãn chi tiêu, chờ đợi giá cả sẽ xuống mức có lợi hơn nữa, và dẫn đến tình trạng giảm phát. Mối quan ngại trên được nêu ra cũng còn vì Eurozone đã không đạt mức tăng trưởng cao hơn, kể từ sau khi tuyên bố thoát khỏi suy thoái hồi giữa năm 2013.

Các nhà phân tích nhận định nhiều khả năng trong kỳ họp tiếp theo vào ngày 22/1, ECB sẽ đưa ra một chính sách phù hợp hơn, nới lỏng chính sách tiền tệ để tránh nhấn chìm Eurozone trong giảm phát.

Phát biểu trên báo Pháp La Tribune số ra ngày 4/1, Lee Harman, một chuyên gia của hãng tư vấn thông tin thị trường tiền tệ FX Daily, dự báo tại kỳ họp ngày 22/1, ECB sẽ đưa ra một gói kích thích kinh tế mới, bơm thêm tiền mặt vào hệ thống tài chính của Eurozone.

Một mặt, gói kích thích này tạo thêm sức sống cho các hoạt động kinh tế, trong lúc việc đồng tiền chung giảm giá tạo thuận lợi cả cho xuất khẩu và lạm phát, do hàng xuất khẩu của Eurozone sẽ có tính cạnh tranh cao hơn, trong khi giá cả hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu sẽ tăng lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.