Kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 phải được công khai đến người dân

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng cần phải có kế hoạch chi tiết trong phân bổ nguồn vaccine cũng như đối tượng. Quan trọng hơn nữa là kế hoạch này phải được công khai để người dân biết.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 22/7, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho biết cần phải công khai kế hoạch tiêm vaccine rất chi tiết đến từng người dân.

Khẳng định Chính phủ đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 là một chiến lược rất tốt, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng cần phải có kế hoạch chi tiết trong phân bổ nguồn vaccine cũng như đối tượng. Quan trọng hơn nữa là kế hoạch này phải được công khai để người dân biết, xây dựng kế hoạch cho cá nhân trong hoạt động cộng đồng.

Với doanh nghiệp, khi biết được kế hoạch này, sẽ xây dựng kế hoạch, kịch bản để chống chọi với COVID-19.

“Kế hoạch này phải tính đến dài hạn để tăng niềm tin, giúp cho doanh nghiệp và người dân xây dựng một kế hoạch sinh sống ổn định cũng như làm việc,” đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Đối với các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng thực hiện “mục tiêu kép,” chống dịch và phát triển kinh tế là hai yếu tố luôn song hành, không thể lựa chọn. Yếu tố trọng tâm chỉ có thể thay đổi theo thời gian, nghĩa là đâu đó tạm thời nhấn mạnh hơn về chống dịch hay là phát triển kinh tế.

[Xử lý nghiêm sai phạm trong quá trình phân bổ và tổ chức tiêm vaccine]

“Chống dịch bệnh tốt cũng là để góp phần phát triển kinh tế và phát triển kinh tế cũng là đã có yếu tố chống dịch tốt,” đại biểu Phan Đức Hiếu nêu.

Nhấn mạnh Chính phủ đang làm rất tốt công tác chống dịch, nhưng nếu đặt quan điểm chống dịch là ưu tiên, cần phải hạn chế những tác động đến sự phát triển kinh tế, đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng một số địa phương trong nước đang có những tiêu chuẩn, yêu cầu khác nhau về xét nghiệm và điều kiện đối với việc đi lại của người dân, phương tiện vận tải và lái xe. Sự khác nhau này gây ra rất nhiều cản trở cho việc giao thương hàng hóa, đi lại của chính đáng của người dân.

“Chính phủ nên chỉ đạo quyết liệt các địa phương cần hợp tác với nhau trên nguyên tắc là phải thừa nhận và công nhận lẫn nhau. Sự khác biệt là không cần thiết và không hợp lý,” đại biểu Phan Đức Hiếu khẳng định.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, Chính phủ nên tính nhiều hơn nữa những biện pháp hỗ trợ mang tính chất thị trường. Ví dụ như về tín dụng, hạ lãi suất là một tín hiệu tốt, nhưng nếu hạ lãi suất và không kiểm soát được dòng tín dụng, có thể phát sinh nợ xấu. Do đó, thay vì ngân hàng cho vay nợ, có thể khuyến khích ngân hàng mua cổ phần trong doanh nghiệp hoặc trong một chừng mực nào đó, doanh nghiệp phát hành thêm cổ phần và chia sẻ với các nhà đầu tư khác.

“Trong đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nên có những biện pháp mang tính thị trường hơn, hạn chế được rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn,” đại biểu đoàn Thái Bình nêu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phan Đức Hiếu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nhận xét về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng với quyết tâm, nỗ lực rất cao của Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19, chúng ta sẽ sớm vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra để ổn định, phát triển kinh tế.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng đạt được “mục tiêu kép” là vấn đề, mục tiêu Chính phủ hướng tới. Bối cảnh hiện tại cho thấy những nỗ lực và sự quyết tâm của Chính phủ đã đảm bảo đi đúng hướng. Tuy nhiên, cần phải có sự đánh giá lại, nhìn nhận tổng thể thực trạng của nền kinh tế Việt Nam sau bối cảnh đại dịch chứ không nên chỉ nhìn vào các chỉ số mục tiêu năm sau cao hơn năm trước, giai đoạn sau tăng cao hơn giai đoạn trước.

“Đối với một số chỉ tiêu do dịch bệnh bị đứt gãy, chưa đạt được, tôi cho rằng cử tri và nhân dân cả nước cần sự đồng cảm, chia sẻ với Chính phủ. Chính phủ cũng cần đánh giá lại thiệt hại do dịch bệnh trong giai đoạn phát triển hiện tại để từ đó nhìn nhận rõ hơn mức tăng trưởng chung, đề ra lộ trình, kế hoạch tổng thể trong thời gian tới để khai thác hiệu quả các nguồn lực,” đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu quan điểm.

Trước ý kiến cho rằng Nhà nước nên chọn một số doanh nghiệp thực sự là nòng cốt, có nhiều người lao động để cho vay với lãi suất 0 đồng và Nhà nước sẽ bù lỗ, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), chính sách hỗ trợ, thậm chí nhận bù lỗ này là cần thiết. Nhưng quan trọng nhất là phải biết tiền đấy được đầu tư vào đâu và doanh nghiệp đó, buộc phải là doanh nghiệp có các dự án sản xuất kinh doanh liên quan đến những lĩnh vực quan trọng cần phục hồi.

“Trong trường hợp đó, tôi cho rằng, chúng ta có thể hỗ trợ theo chương trình mục tiêu cho các dự án, theo các hoạt động mà Chính phủ đang định hướng. Chúng ta có thể thực hiện hỗ trợ trực tiếp như lấy ngân sách bù lãi suất, nhưng cũng có thể không hỗ trợ trực tiếp bằng cách cho ngân hàng được quyền cho vay ưu đãi,” đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục