Du nhập vào Việt Nam khoảng hơn mười năm nay, môn Kendo (Kiếm đạo) từ Nhật Bản ngày càng thu hút nhiều các bạn trẻ tìm hiểu và luyện tập. Học Kendo không chỉ giúp rèn luyện thể chất mà còn nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần.
Đến thăm câu lạc bộ Kendo Thăng Long tại Khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội, chúng tôi được chứng kiến không khí luyện tập sôi nổi của khoảng 50 võ sinh. Những tiếng hét vang, tiếng kiếm tre chan chát cùng tiếng bước chân rầm rập khiến võ đường như muốn bùng nổ.
Trong bộ võ phục mang nhiều nét giống võ sỹ samurai, anh Lê Hải Sơn, chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, Kendo là môn võ thuật có nguồn gốc từ Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, “ken” có nghĩa kiếm, “do” có nghĩa là đạo. Kendo có thể hiểu là kiếm đạo hay đạo dùng kiếm.
Theo anh Sơn, môn Kendo được du nhập vào Việt Nam khoảng đầu những năm 2000. Ban đầu Kendo được dạy cho con em của người Nhật làm việc tại Hà Nội. Sau đó, môn võ này dần được nhiều người Việt Nam theo học và tập luyện.
Hiện nay, phong trào luyện tập Kendo ngày càng phát triển không chỉ ở Hà Nội mà còn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Đến với Kendo, các võ sinh (kendoka) không chỉ được học về kiếm thuật mà học cả kiếm đạo – hay còn gọi là cốt cách người dùng kiếm. “Đạo” được rèn luyện bằng ý thức luyện tập chuyên chú, đối xử chân thành với đồng môn, kính trọng người thầy dạy và không bao giờ xúc phạm người khác.
Theo quan niệm của những kendoka, việc chiến thắng bản thân quan trọng hơn rất nhiều so với việc chiến thắng đối thủ.
Quá trình tập luyện Kendo không chỉ giúp võ sinh giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc nặng nhọc, rèn luyện sức khỏe, mà còn phát triển sự tự tin và quyết đoán của người học.
“Kendo giúp tôi ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn trong nhiều tình huống công việc khó khăn phức tạp,” anh Sơn chia sẻ với chúng tôi về lợi ích của việc luyện tập Kendo.
Đến với sàn tập Kendo các võ sinh được hòa nhập vào môi trường luyện tập thân thiện, nhưng rất nghiêm túc và kỷ luật.
Để tham gia luyện tập Kendo các võ sinh cần chuẩn bị bộ dụng cụ bao gồm: Giáp phòng hộ (Bogu), mặt nạ(men), giáp cổ tay (kote), giáp thân (do), giáp hông (tare), áo võ (dogi) quần võ (hakama) đai (himo), khăn (tenugui) và quan trọng nhất là kiếm tre (shinai).
Là vũ khí chủ yếu của mỗi kendoka, shinai được làm bằng 4 thanh tre gép vào nhau với phần đầu được bọc cố định bằng kim loại.
[Con gái Lý Tiểu Long đầu tư làm phim về thời trẻ của cha]
Khi mới gia nhập lớp học, kendoka sẽ được giáo viên (sensei) hoặc sư huynh (sempai) hướng dẫn các quy tắc căn bản của Kendo như nghi thức tập luyện, dụng cụ luyện tập, các bài khởi động, các bài kiếm căn bản và các động tác phòng thủ.
Hệ thống kỹ thuật của Kendo gồm 4 đòn cơ bản: Men, Kote, Do và Tsuki. Men là đòn đánh vào đỉnh đầu đối phương. Kote là đòn đánh nhằm vào cổ tay đối phương. Đòn đánh vào bụng của đối phương được gọi là Do. Tsuki được coi là đòn đánh nâng cao khi kendoka dùng kiếm đâm thẳng vào cổ họng đối phương.
Tuy chỉ có 4 đòn đánh cơ bản, nhưng đây đều là những đòn “nhất chiêu tất sát” (chỉ cần 1 đòn đánh là hạ gục đối thủ) được kế thừa từ tinh hoa võ thuật truyền thống lâu đời của Nhật Bản.
Để thành thạo những đòn đánh này, các kendoka phải kiên trì rèn luyện trong thời gian dài với nhiều bài tập ở các mức độ khó khác nhau.
Tuy là môn võ mới được du nhập, nhưng các kendoka Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ ở đấu trường Kendo khu vực và quốc tế, trong đó có huy chương bạc đơn nam giải vô địch Kendo Đông Nam Á (2007, 2013), huy chương bạc đồng đội nam nội dung 3 người giải Kendo Hong Kong mở rộng năm 2014./.