Chiều 13/9, tại Bảo tàng Hà Tĩnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Chiêu Hòa-Nhật Bản tổ chức báo cáo kết quả bước đầu khai quật khảo cổ địa điểm Hội Thống (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Theo tiến sỹ Đặng Hồng Sơn, Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội, đợt khai quật khảo cổ học tại khu vực đình Hội Thống và đền Cả thuộc thôn Hội Phụ (xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) diễn ra trong 9 ngày từ 4-13/9.
Vị trí khảo cổ được thực hiện ở 4 khu vực: Cồn Bơi, Đình Hội Thống, Đầu Cồn và Đồng Sú với diện tích khoảng 12,25m2.
Đoàn nghiên cứu đã phát hiện nhiều dòng gốm men - dấu vết của hoạt động thương mại đầu thế kỷ 15 tại khu vực Hội Thống và nhiều di vật đặc trưng thế kỷ 13, 14 như dòng men ngọc, men nâu, men trắng vẽ lam…
Bên cạnh đó, nhiều đồ gốm Hizen được sản xuất tại Nhật Bản từ khoảng năm 1660-1670 cũng được tìm thấy, là minh chứng cho mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản được hình thành từ rất sớm tại nơi đây.
Tiến sỹ Yuriko Kikuchi, Viện Nghiên cứu Văn hóa con người thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục Nhật Bản, khẳng định kết quả của cuộc điều tra lần này là dấu mốc đầu tiên để khảo sát các hoạt động thương mại của Nhật Bản tại Hà Tĩnh. Trong tương lai, đoàn sẽ có nhiều cuộc điều tra để tìm hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trước thế kỷ 17.
Địa danh Hội Thống được biết đến lần đầu tiên qua tác phẩm "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi; từ thế kỷ 15, Hội Thống được biết đến là một trong nhiều thương cảng hoạt động tấp nập do Nhà nước lúc đó quản lý.
Tại thương cảng cổ Hội Thống đã diễn ra nhiều hoạt động thương mại, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, Trung Quốc…
Kết quả của cuộc điều tra lần này nhằm tiếp thêm tư liệu di vật cho quá trình xác định quy mô, vị trí và vai trò của thương cảng Hội Thống trong hệ thống cảng thương mại ven bờ khu vực Bắc Trung Bộ./.