Kêu gọi 6 nước Hợp tác Mekong-Lan Thương đoàn kết chống COVID-19

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn kêu gọi phát huy tính đoàn kết trong Hợp tác Mekong-Lan Thương nhằm chống dịch COVID-19 trong bối cảnh đại dịch có tác động sâu rộng.
Kêu gọi 6 nước Hợp tác Mekong-Lan Thương đoàn kết chống COVID-19 ảnh 1Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn. (Nguồn: Khmertimeskh.com)

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn ngày 24/3 kêu gọi 6 nước Hợp tác Mekong-Lan Thương (LMC) tiếp tục thể hiện sự đoàn kết để đối phó với đại dịch COVID-19.

Trong thông điệp kỷ niệm Tuần lễ LMC năm 2021, sự kiện được tổ chức thường niên, ông Sokhonn cho rằng năm 2020 đã bị phủ bóng bởi đại dịch COVID-19 và đại dịch đã tác động sâu rộng đối với an toàn sức khỏe cộng đồng, hoạt động di chuyển của con người và dòng chảy của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông nhấn mạnh: "Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, chúng ta phải tiếp tục thể hiện sự đoàn kết trong việc giải quyết những vấn đề cùng quan tâm này thông qua hợp tác và các hành động thiết thực để cung cấp đầy đủ vaccine cũng như vật tư y tế nhằm giúp các nước LMC có thể đạt được các mục tiêu chung về thịnh vượng và phát triển bền vững cho tiểu vùng của chúng ta và hơn thế nữa."

[Campuchia chia sẻ tầm nhìn phát triển của Hợp tác Mekong-Lan Thương]

Theo ông Prak Sokhonn, để đảm bảo sự phục hồi kinh tế xã hội đầy hứa hẹn sau đại dịch, tại hội nghị các nhà lãnh đạo LMC lần 3 vào tháng 8/2020, các nhà lãnh đạo của các nước LMC đã tái khẳng định quyết tâm giải quyết những tác động nghiêm trọng do COVID-19 gây ra bằng cách tăng cường hợp tác về sức khỏe cộng đồng thông qua việc thành lập Cộng đồng Y tế Công cộng Mekong-Lan Thương.

Các nước LMC bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Theo ông Sokhonn, trong 5 năm qua, LMC đã cho thấy đây là khuôn khổ hợp tác thích hợp khi thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa 6 nước thành viên ven sông trong giải quyết những thách thức của khu vực trên tinh thần cởi mở, bao trùm và có sự liên kết với các cơ chế hợp tác tiểu vùng hiện có khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.