Theo ông Lula, sửa chữa những sai lầm phạm phải trong hơn một thế kỷ, trong 10 năm gần đây, Mỹ Latinh đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế mà trước đó chưa bao giờ có được. Trong khi đó, nền dân chủ cũng được phát triển ở mức chưa từng có.
Tuy nhiên, Mỹ Latinh cần phải tiếp tục chính sách phục hồi kinh tế, cải thiện đời sống của người nghèo và tạo thêm nhiều việc làm.
Mặt khác, theo nhà lãnh đạo cánh tả này, chưa bao giờ Mỹ Latinh có được đội ngũ lãnh đạo nhà nước có “chất lượng” cao như hiện nay.
Trước đó, ông Lula đánh giá cao vai trò của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chávez trong hội nhập Mỹ Latinh, với đóng góp quan trọng trong việc thành lập Liên minh các nước Nam Mỹ (Unasur), Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (Celac), Hội đồng phòng thủ Nam Mỹ, Ngân hàng phương Nam...
Khi ông Chávez qua đời, ông Lula đã có bài viết coi đó là “sự mất mát không thể bù đắp” đối với nền chính trị Mỹ Latinh và thế giới nói chung. Theo ông, một thế kỷ là chưa đủ mà phải rất lâu tại Mỹ Latinh mới sinh ra một con người với phẩm chất như ông Chávez. Ông Lula còn cho rằng nếu ông Chávez chưa từng ra đời, thì bây giờ phải được sinh ra, vì thế giới cần các nhà lãnh đạo như ông.
Sinh ra trong một gia đình nghèo và từng phải đánh giày và bán hàng rong giúp gia đình kiếm sống, ông Lula trở thành lãnh đạo công đoàn ngành luyện kim trước khi lãnh đạo quốc gia đông dân nhất Mỹ Latinh từ năm 2003 đến 2010.
Ông là tổng thống được lòng dân nhất tại Brazil, do dưới thời ông cầm quyền, kinh tế quốc dân phát triển –Brazil trở thành nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới - và hàng chục triệu dân nghèo được hưởng lợi từ những chương trình xã hội rộng lớn do ông khởi xướng.
Năm 2009 ông được báo Le Monde (Pháp) và El País (Tây Ban Nha) bình chọn là “Nhân vật của năm.” Năm 2010 ông được tạp chí Time (Mỹ) chọn là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất thế giới.
Tiếp tục sự nghiệp của ông Lula, đương kim Tổng thống Dilma Rousseff cũng gặt hái nhiều thành công và với uy tín hiện nay, bà có thể thắng cử nếu lại ra tranh cử trong năm tới./.