Bộ trưởng Tài chính Pakistan Miftah Ismail ngày 31/8 cho biết nhiều cơ quan quốc tế đã đề nghị cho phép nhập khẩu rau củ và các loại thực phẩm khác từ Ấn Độ nhằm giúp đỡ hàng trăm nghìn người phải đi sơ tán vì lũ lụt tại Pakistan.
Trên mạng Twitter, ông Ismail cho biết Islamabad sẽ quyết định có cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế tại biên giới hay không dựa trên các điều kiện cụ thể và sau khi tham vấn các đối tác trong liên minh cầm quyền.
Mưa lớn chưa từng thấy trong mùa mưa năm nay đã gây lụt lội, nhấn chìm 1/3 diện tích quốc gia Nam Á này trong biển nước, làm hơn 1.100 người thiệt mạng, trong đó có 380 trẻ em.
Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi quyên góp 160 triệu USD để hỗ trợ “thảm họa khí hậu chưa từng thấy” này. Trong khi đó, Pakistan còn đang phải đối mặt với tình trạng giá thực phẩm leo thang, làm trầm trọng thêm tình trạng khốn khổ của hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho biết hàng trăm nghìn mẫu ruộng đã bị nước lũ cuốn trôi. Phát biểu với báo giới sau chuyến thị sát các khu vực lũ lụt ở miền Bắc, ông Sharif nói: “Chúng tôi đã mất vụ lúa. Rau củ quả đã bị hỏng hết.” Theo người đứng đầu cơ quan phòng chống thiên tai quốc gia, Tướng Akhtar Nawaz, hơn 2 triệu mẫu (809.381 hécta) đất nông nghiệp đã ngập nước.
[Pakistan sẽ lần đầu tham gia diễn tập chống khủng bố tại Ấn Độ]
Ấn Độ và Pakistan – hai cường quốc hạt nhân láng giềng đã đối đầu nhau trong 3 cuộc chiến tranh kể từ khi kết thúc sự đô hộ của Anh năm 1947. Biên giới giữa hai nước được phòng thủ kiên cố và phần lớn vẫn đóng cửa. Rất ít hoạt động giao thương và qua lại diễn ra.
Trong quý 3/2022, lượng mưa tại Pakistan đã tương đương 190% mức trung bình trong 30 năm qua, ghi nhận tổng cộng 390,7 mm nước. Tỉnh Sindh ở miền Nam, dân số 50 triệu người, là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất, lượng mưa lên tới 466% so với mức trung bình trong 30 năm.
Chính phủ cho biết 33 triệu người, tức 15% dân số nước này, đã bị ảnh hưởng của lũ lụt. Ước tính ban đầu cho thấy thiệt hại đã lên tới hơn 10 tỷ USD. Chính phủ Pakistan đang kêu gọi thế giới trợ giúp./.