Khả năng EU ''xoay chiều'' chính sách đối ngoại với Trung Quốc

Mặc dù chính sách đối ngoại của EU tiếp tục theo hướng "vô hại," thực tế hiện nay là tất cả các nước thành viên EU đều đang đánh giá lại quan điểm chính sách của mình với Trung Quốc.
(Nguồn: Reuters)

Sau nhiều năm thuận theo ý muốn của Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ ngoại giao song phương, giờ đây thời thế đã thay đổi khi chính sách của Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc sẽ có sự điều chỉnh theo hướng cứng rắn hơn.

Báo Straits Times ngày 1/6 nhận định các nhà ngoại giao Trung Quốc có thể hài lòng với phản ứng gần đây của EU với vấn đề Hong Kong (Trung Quốc), nhưng họ sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng khi tin rằng sự trung dung và bất lực sẽ tiếp tục là đặc tính trong quan điểm đối ngoại của EU thời gian tới.

Mặc dù chính sách đối ngoại của EU tiếp tục theo hướng "vô hại," họ chỉ thường nói lớn nhưng không kèm theo những "cây gậy," thực tế hiện nay là tất cả các nước thành viên EU đều đang đánh giá lại quan điểm chính sách của mình với Trung Quốc. Đáng nói là đa số xu hướng đối ngoại của họ đều không ủng hộ một mối quan hệ EU-Trung Quốc gần gũi hơn.

[Sự mong manh trong mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc]

Có rất nhiều chỉ dấu về thực trạng hỗn loạn trong mối quan hệ của EU với Trung Quốc. Chẳng hạn, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có bài phát biểu về các ưu tiên đối ngoại khi nước này đảm nhiệm chức Chủ tịch EU, trong đó cho rằng Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, các nhà ngoại giao tại Paris cũng không có những tuyên bố khác biệt là mấy.

Dù chính sách của Trung Quốc đã có nhiều bước phát triển trong những năm qua, nhưng cách tiếp cận chính của Bắc Kinh với EU vẫn kiên định trong nhiều thập kỷ.

Cách tiếp cận này bao gồm các thành tố chính là sự chân thành ủng hộ một EU hội nhập hơn, xây dựng các mối quan hệ gần gũi, đặc biệt với các nước chủ chốt EU như Đức, Pháp và Anh, đồng thời thiết lập một câu lạc bộ cho các nước EU nghèo hơn.

Tuy nhiên, thành công của Trung Quốc trong việc "trung lập hóa" EU không phải chỉ nhờ chính sách ngoại giao khôn ngoan của Bắc Kinh mà còn nhờ nhiều tình huống cụ thể khác.

Không giống như Nga, Trung Quốc có sức mạnh kinh tế và các cơ hội đầu tư dường như vô tận. Và cũng không giống Mỹ, EU trước đây không coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức sống còn.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là tất cả những giả định ngây thơ đó giờ đây đã được minh chứng là sai lầm. Trung Quốc vẫn mang lại nhiều cơ hội kinh doanh, nhưng châu Âu không còn mơ mộng về những triển vọng hão huyền như trước đây.

Châu Âu giờ đây cũng đã tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc tại các khu vực ảnh hưởng truyền thống của EU tại châu Phi, Trung Đông hay Địa Trung Hải, đang hạn chế nghiêm trọng "không gian vẫy vùng" của EU.

Cú sốc sửng sốt nhất với EU diễn ra trong những tháng gần đây khi các đại sứ quán Trung Quốc ở khắp châu lục sử dụng nền tảng mạng xã hội để chê bai và công khai chỉ trích khả năng đối phó với đại dịch COVID-19 của EU, đồng thời "xuất khẩu" hệ tư tưởng rằng hệ thống chính trị độc đảng về bản chất ưu việt hơn hệ thống chính trị đa đảng.

Không phải tất cả các thành viên EU đều có chung kết luận ảm đạm về thái độ của Trung Quốc. Thế nhưng tất cả đều phải kết luận rằng Trung Quốc không chỉ là cơ hội kinh doanh lớn mà còn là thách thức an ninh nghiêm trọng và ngày càng lớn. Tất cả các chính phủ EU hiện đang thắt chặt kiểm soát công nghệ và tự cho mình quyền lực hoặc là tạm dừng, hoặc là cấm các công ty Trung Quốc mua tài sản của châu Âu.

Trong khi đó, sức mạnh mềm của Trung Quốc tại châu Âu cũng đang trong tình trạng suy thoái và rất nhiều Viện Khổng tử, được thiết kế nhằm thúc đẩy văn hóa Trung Quốc, đang đối mặt với sự kiểm soát hoặc đóng cửa. Thụy Điển, quốc gia đầu tiên chấp nhận những thể chế như vậy, đã ra quyết định đóng cửa toàn bộ.

Một loạt các câu chuyện thành công khác của Trung Quốc tại châu Âu cũng đã và đang bị đảo ngược. Gần như chắc chắn là quyết định chấp nhận Huawei tham gia vào hạ tầng viễn thông của Anh sẽ bị đảo ngược, ít nhất là một phần, trong những tháng tới.

Các nước châu Âu khác cũng đang tính toán tới việc phải né tránh Huawei như thế nào. Romania, thành viên duy nhất của EU hiện tại (không tính Anh), từng có ý định cho phép nhà thầu Trung Quốc tham gia xây dựng lò phản ứng hạt nhân cũng vừa thông báo không một công ty nào của Trung Quốc có thể nộp hồ sơ thầu.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn có cơ hội để đảo ngược xu thế tiêu cực này. Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc dự kiến tổ chức vào tháng Chín tới được cho là sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về hiệp định đầu tư giữa Trung Quốc và EU.

Nếu cơ hội này bị bỏ lỡ, khả năng cao là các mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn. Đức mới đây đã công bố khẩu hiệu cho EU khi nước này đảm nhận vai trò Chủ tịch: "Cùng nhau đưa EU mạnh trở lại." Đó là khẩu hiệu mà Trung Quốc hiểu rất rõ từ Washington.

Có thể, Trung Quốc sẽ một lần nữa phải đối mặt với EU như nước này từng với Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục