Bài phân tích trên báo The Straits Times đánh giá đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng chưa từng có tiền lệ với nhiều tác động nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế, việc làm, sức khỏe và sinh kế của mọi quốc gia trên thế giới.
Điều không may là vào thời điểm thế giới cần có sự dẫn dắt và quản lý thì hai cường quốc lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc lại đang đổ lỗi cho nhau về dịch bệnh, trong khi các thể chế đa phương như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Ngân hàng Thế giới (WB) lại chưa thể thực hiện vai trò dẫn dắt nhằm đem lại một cách tiếp cận có phối hợp hơn để giải quyết các thách thức.
[Mỹ-EU tiến “từng bước nhỏ” tới thỏa thuận thương mại song phương]
Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh và WHO quá chú tâm vào Trung Quốc.
Trong khi đó, Bắc Kinh đổ lỗi cho “phương Tây” về sự chần chừ khi phản ứng và lãng phí thời gian quý báu mà nước này đã mang lại thông qua các chính sách phong tỏa mạnh mẽ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc lại tìm cách quảng bá với thế giới về hình ảnh của một cường quốc có trách nhiệm. Việc quảng cáo mô hình cai trị là lý do khiến họ có khả năng kiểm soát được tình hình.
Bắc Kinh cũng chỉ rõ Trung Quốc đã nhanh chóng chia sẻ với thế giới bộ gen của virus và hợp tác với WHO cảnh báo các nước khác chuẩn bị sẵn sàng đối phó với COVID-19.
Chính quyền Mỹ giờ đây đưa ra câu chuyện rằng Chính quyền Trung Quốc đã che giấu thông tin về khả năng lây truyền từ người sang người của virus trong nhiều tháng và đã không chia sẻ đầy đủ thông tin mà họ có được về virus, gây trở ngại cho việc các nước khác đưa ra những lựa chọn đúng đắn.
Sự đổ lỗi lẫn nhau này đã gia tăng trong những tuần qua. Cuộc chiến này giữa Mỹ và Trung Quốc là sự mở rộng các cuộc chiến địa chính trị rộng lớn hơn của họ vốn được bắt đầu từ trước khi đại dịch xảy ra.
Cho đến nay, châu Âu đã cố gắng không bị cuốn vào tình trạng đối địch Mỹ-Trung, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy giờ đây châu Âu đang cảm thấy rằng họ cần phải kiềm chế Trung Quốc trong cuộc chiến này.
Tâm lý bài Trung Quốc và mối lo ngại rằng Bắc Kinh đang đẩy mạnh mô hình cai trị của mình đã và đang gia tăng trong những năm gần đây. Tâm lý này dường như đã trở nên tồi tệ hơn khi Mỹ và châu Âu phải vật lộn để kiềm chế virus với phí tổn kinh tế khổng lồ.
Chính sách ngoại giao khẩu trang của Trung Quốc, ban đầu được đón nhận nhiệt tình, đã trở nên không được ưa chuộng khi chiến dịch tuyên truyền của nước này thay vì khiêm tốn và hào hiệp, lại bắt đầu trịch thượng và mang tính thao túng.
Vì Bắc Kinh được cho là quá liều lĩnh với ngoại giao khẩu trang nên tình cảm bài Trung Quốc giờ đây đang tăng lên.
Mặc dù vậy, các chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã cảnh báo châu Âu phải nhận thức được rằng có thành phần địa chính trị trong cuộc tranh giành ảnh hưởng thông qua chính trị lòng tốt và châu Âu phải sẵn sàng cho cuộc chiến toàn cầu về những câu chuyện kiểu này.
Điều thậm chí còn đáng lo ngại hơn là câu chuyện đang nổi lên ở phương Tây cho rằng Trung Quốc là một vấn đề rắc rối.
Giáo sư Kerry Brown, Giám đốc Viện Lau China thuộc trường King’s College London, cảnh báo việc “rắc rối hóa” Trung Quốc có nguy cơ tạo ra sự phân cực và các đường biên giới “cứng” hơn.
Vào thời điểm khi mà sự hợp tác của Trung Quốc là cần thiết để đối phó với nhiều thách thức toàn cầu, việc có quan điểm cứng rắn như vậy sẽ không có lợi cho cộng đồng toàn cầu.
Châu Âu hiện đang thiếu một chiến lược gắn kết đối với Trung Quốc nên hiện giờ vẫn đang bị chia rẽ về cách thức can dự với nước này về mặt chiến lược.
Tuy nhiên, một điều là rõ ràng đối với họ, cuộc “chiến tranh về nhận thức” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng không có lợi cho châu Âu.
Liên minh châu Âu, giống như nhiều nước khác ở châu Á, đã tìm cách không lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, và kể từ khi Tổng thống Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, lục địa này đã nói về việc phát triển sự tự trị chiến lược.
Các nước như Đức và Anh trước đó đã bất chấp sức ép của Mỹ cấm hợp tác với công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc và tìm cách cân bằng giữa đồng minh truyền thống của họ là Mỹ với đối tác kinh tế ngày càng không thể thiếu là Trung Quốc.
Cách hành xử của Tổng thống Donald Trump và những lời bình luận làm mất uy tín về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng EU đã làm xấu đi mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Một số nhà lãnh đạo EU đã tỏ rõ rằng châu Âu không còn có thể dựa vào Mỹ. Đồng thời, người châu Âu cũng thận trọng hơn đối với sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế.
Các mối quan hệ về thương mại và đầu tư với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bắt đầu được xem xét lại.
Trung Quốc đã sử dụng nền tảng 17+1 - khuôn khổ hợp tác can dự với các nước ở Trung và Đông Âu - để chia rẽ hơn nữa khu vực châu Âu, gây ra nhiều rắc rối cho các thể chế EU.
Phần lớn chiến lược và ảnh hưởng của nước này ở các khu vực Đông Nam, Trung và Đông Âu được xây dựng dựa trên kỳ vọng rằng sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) có thể giúp các nước này bắt kịp với những nước tiên tiến của EU trong khu vực phía Bắc và phía Tây.
Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19 và ngày càng có nhiều trở ngại đối với BRI, ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua nền tảng 17+1 có thể đã bị cường điệu.
Thận trọng trước sự xâm nhập hơn nữa của Trung Quốc vào châu Âu, các chuyên gia đã hối thúc các nước EU mua cổ phần trong các công ty châu Âu để chống lại mối đe dọa bị Trung Quốc thâu tóm trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Không giống như Mỹ, EU không hướng tới việc tách khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, một mức độ “giãn cách xã hội” nào đó có thể diễn ra nếu Trung Quốc tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình một cách khoe khoang.
Quan hệ EU-Trung Quốc sẽ tiến triển như thế nào phụ thuộc phần lớn vào hai nhân tố: EU sẽ vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh này một cách mạnh mẽ hay yếu ớt hơn; và liệu ông Trump có sẽ tái cử Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ 4 năm nữa hay không.
Sự đoàn kết của châu Âu có ý nghĩa vô cùng quan trọng để giải quyết thách thức trước mắt là đại dịch COVID-19 và để EU thực sự trở thành một bên tham gia chiến lược.
Thế giới sẽ trở nên nghèo khó hơn nếu chúng ta không thể có một châu Âu có thể hợp tác với các đối tác có cùng tư tưởng như Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đứng lên chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và tiếp tục tạo nên một mức độ nào đó của chủ nghĩa đa phương, trong đó có sự hợp tác mang tính thực dụng với Trung Quốc./.