Khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật

Trong công tác xây dựng pháp luật 6 tháng đầu năm, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã từng bước được khắc phục hiệu quả.
Khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2016 được Bộ Tư pháp tổ chức trực tuyến tại 64 điểm cầu trong toàn quốc sáng 11/7.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì điểm cầu Trung ương tại Hà Nội.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2016 được Bộ Tư pháp xác định là tổ chức triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Nghị định 34 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành, tạo bước bước đột phá ngay từ khâu xây dựng chính sách.

Trên cơ sở kết quả rà soát của các bộ, ngành, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương hoàn thiện Báo cáo kết quả rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ cũng xây dựng, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp để tổ chức thi hành Luật, cụ thể là xây dựng Quyết định về thẩm định chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng các cuốn Sổ tay về quy trình xây dựng chính sách trong đề nghị xây dựng pháp luật, Sổ tay nghiệp vụ đánh giá tác động của chính sách và Sổ tay kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho các công chức xây dựng pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp-Hộ tịch và công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế của các Ban thuộc Hội đồng nhân dân về kỹ năng xây dựng, phân tích chính sách; xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách; báo cáo đánh giá tác động của thủ tục hành chính...

Bộ cũng rà soát đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật để sắp xếp, bố trí đủ, hợp lý, đúng năng lực, sở trường theo vị trí việc làm công chức làm công tác xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện Luật hộ tịch, trong đó mở rộng thí điểm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân nhằm cung cấp kịp thời, chính xác thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai xây dựng dự án khả thi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc gắn với đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; trang bị đầy đủ phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch cho các địa phương được lựa chọn trong giai đoạn thí điểm; giải quyết triệt để vấn đề hộ tịch, quốc tịch cho trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.

Bộ Tư pháp cũng tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội Báo cáo rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp điện Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực phòng ngừa và giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước, Chính phủ; tăng cường quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả và bảo đảm tính kế thừa bền vững trong các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật.

Bộ hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước; ban hành Quyết định quy định về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho các nhân, tổ chức qua dịch vụ bưu chính công ích để giảm thiểu tiêu cực, nhũng nhiễu, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí và giảm thời gian đi lại cho người dân...

Trong công tác xây dựng pháp luật 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến 7 dự thảo luật, trong đó có Luật Tiếp cận thông tin do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã từng bước được khắc phục hiệu quả.

Riêng Bộ Tư pháp đã trình 18/18 văn bản, đề án, đạt tỷ lệ 100%. Toàn ngành tư pháp đã thẩm định trên 4.800 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bộ đã thẩm định 151 dự thảo văn bản và 61 điều ước quốc tế, trong đó có 50/50 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh quán triệt chỉ đạo của Chính phủ về Chính phủ kiến tạo và khởi nghiệp. Bộ trưởng lưu ý tập trung công tác xây dựng, trình các dự án Luật Đấu giá tài sản, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), có căn chỉnh phù hợp để vừa đảm bảo xã hội hóa vừa đảm bảo công cụ quản lý của Nhà nước.

Bộ trưởng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tiêu chuẩn của cán bộ làm công tác hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch; kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực mà báo chí phản ánh như hoạt động của văn phòng công chứng, trung tâm bán đấu giá, văn phòng luật sư.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục