Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 tại Myanmar

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh là một trong bốn trưởng đoàn được mời phát biểu dẫn đề tại Phiên 1 Hội nghị về “Gắn kết hài hòa giữa hòa bình và phát triển bền vững.”
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 tại Myanmar. (Ảnh: Sơn Nam/TTXVN)

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu lần thứ 13 (ASEM 13) đã khai mạc sáng 20/11 tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu Đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị. Đây là hoạt động quan trọng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEM 12 diễn ra vào tháng 10/2018 tại Brussels (Bỉ).

Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững,” trong hai ngày hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao sẽ có ba phiên thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, tăng cường quan hệ đối tác trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu, quản lý thiên tai, an ninh lương thực-năng lượng-nguồn nước, thu hẹp khoảng cách phát triển...

Đặc biệt, các Bộ trưởng Ngoại giao cũng sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM năng động và gắn kết hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường kết nối trên các lĩnh vực như giao lưu nhân dân, giao thông vận tải, du lịch, văn hóa, giáo dục, thương mại và đầu tư cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực.

[Việt Nam nêu kiến nghị tại Đối thoại ASEM về quản lý nguồn nước]

Tại Hội nghị lần này, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh là một trong bốn trưởng đoàn được mời phát biểu dẫn đề tại Phiên 1 Hội nghị về “Gắn kết hài hòa giữa hòa bình và phát triển bền vững.”

Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển (từ năm 1996), ASEM đã trở thành cơ chế đối thoại quan trọng, hợp tác lớn nhất giữa hai châu lục, hội tụ 53 thành viên, trong đó có bốn thành viên là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và 12 thành viên thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20), đại diện gần 68% dân số thế giới, đóng góp khoảng 55 % GDP và gần 60% thương mại toàn cầu.

Là một trong những thành viên sáng lập ASEM, Việt Nam luôn phát huy vai trò chủ động tham gia hợp tác Á-Âu. Qua hai thập kỷ tham gia, Việt Nam luôn là một thành viên năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc có ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Diễn đàn. Đóng góp nổi bật nhất là Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 (2004), năm Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế (2001), công nghệ-thông tin (2006), ngoại giao (2009), giáo dục (2009), và lao động (2012).

Việt Nam đã đề xuất 22 sáng kiến và đồng tác giả 26 sáng kiến khác, trong đó, tất cả các sáng kiến đã được triển khai, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực văn hoá, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, khoa học-công nghệ, du lịch, kinh tế, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội. Các sáng kiến của ta đều được đánh giá là thiết thực, phù hợp với quan tâm của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy hợp tác ASEM.

Trong năm 2017, Việt Nam cũng đã triển khai thành công sáng kiến tại Hội nghị Cấp cao ASEM 11 (tại Mông Cổ, tháng 7/2016) về “Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” (Huế, 29-31/3/2017). Việt Nam cũng là một trong những thành viên đi đầu khởi xướng và duy trì các sáng kiến, hoạt động trong 5/16 Nhóm hợp tác về quản lý nước, ứng phó thiên tai và đào tạo nghề, giáo dục và phát triền nguồn nhân lực và kết nối công nghệ.

Theo kế hoạch, kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng sẽ thông qua “Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 13,” chương trình hoạt động giai đoạn 2017-2019, đồng thời thông qua các sáng kiến mới, trong đó có sáng kiến của Việt Nam về “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục