Khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng về Triều Tiên tại Vancouver

Các bên tham dự Hội nghị Ngoại trưởng về Triều Tiên tại Vancouver khẳng định cần phải duy trì sức ép trừng phạt đối với Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng về Triều Tiên tại Vancouver ảnh 1Ngoại trưởng nước chủ nhà Canada Chrystia Freeland (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại hội nghị. (Nguồn: CBC)

Trưa 16/1 theo giờ miền Tây Canada (đêm cùng ngày theo giờ Hà Nội), Hội nghị Ngoại trưởng về an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên đã chính thức khai mạc tại thành phố Vancouver của Canada.

Hội nghị do Mỹ và Canada đồng chủ trì, với sự tham gia của đại diện ngoại giao đến từ 20 nước, trong đó có 11 ngoại trưởng. Các bên tham dự hội nghị khẳng định cần phải duy trì sức ép trừng phạt đối với Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Hội nghị mở đầu với màn biểu diễn chào mừng đang đậm truyền thống của người dân tộc bản địa Canada. Tiếp đó, Ngoại trưởng nước chủ nhà Chrystia Freeland, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã lần lượt có các bài phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo bà Freeland, các nước tham dự hội nghị tại Vancouver phải nỗ lực nâng cao tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hiện hành đối với Triều Tiên.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh "chúng ta phải tăng 'cái giá' mà Triều Tiên phải trả cho hành vi của mình, đến mức chính quyền Bình Nhưỡng phải bước vào bàn đàm phán để tiến hành những cuộc thảo luận đáng tin cậy."

[Nhật Bản và Canada nhất trí gây sức ép tối đa với Triều Tiên]

Về phần mình, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha bày tỏ hy vọng đà can dự với Triều Tiên sẽ được duy trì sau Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang 2018 vào tháng Hai tới.

Còn người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono cho rằng "hiện không phải thời điểm để giảm bớt sức ép hay trao thưởng cho Triều Tiên. Việc Bình Nhưỡng tiến hành đối thoại có thể được xem như bằng chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng."

Theo nghị trình, hội nghị sẽ được chia thành nhiều phiên thảo luận theo các chủ đề gồm Đánh giá tình hình hiện tại, Các biện pháp trừng phạt, Phi hạt nhân hóa, Ngoại giao và các bước đi tiếp theo. Kết thúc hội nghị sẽ có cuộc họp báo chung của Ngoại trưởng Freeland và người đồng cấp Mỹ Tillerson.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đang có một số bước tiến tích cực trong quan hệ liên Triều với việc hai bên lần đầu tiên nối lại đàm phán cấp cao sau 2 năm đình trệ và Triều Tiên đang có kế hoạch cử đoàn vận động viên tới Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của Nga và Trung Quốc - hai đối tác chủ chốt trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên - khiến cho các bên khó có thể tìm được một giải pháp ngoại giao toàn diện.

Một số nguồn tin không chính thức cho biết hội nghị lần này chưa đặt mục tiêu tìm kiếm một giải pháp dài hạn và có thể Mỹ sẽ thúc đẩy các biện pháp nhằm ngăn chặn các tàu chở hàng cho Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.