Ngày 7/4, Indonesia đã chính thức khai trương cơ sở đào tạo, huấn luyện các nhân viên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có tên gọi là “Trung tâm An ninh và Hòa bình Indonesia” (IPSC) tại Sentul, Bogor, tỉnh Tây Java.
IPSC là một trung tâm đào tạo, huấn luyện hiện đại với đầy đủ các cơ sở vật chất cần thiết, được khởi công xây dựng từ năm 2010 trên một diện tích rộng gần 270ha ở Sentul, Bogor, cách thủ đô Jakarta 30km về phía Nam, đã được đưa vào sử dụng một phần năm 2011 và toàn bộ trong năm nay.
IPSC - được xây dựng với sự hỗ trợ về mặt tài chính của Mỹ và Australia, là cơ sở đào tạo lớn nhất Đông Nam Á cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, bao gồm bảy bộ phận là trung tâm gìn giữ hòa bình, cơ sở huấn luyện chống khủng bố, trung tâm đào tạo nhân đạo và cứu trợ thảm họa, trung tâm phản ứng nhanh, trung tâm ngoại ngữ và chiến lược phát triển, đại học Quốc phòng, và trung tâm thể thao quân sự.
Phát biểu khai trương chính thức IPSC, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã nói rằng với cam kết tích cực thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Indonesia đang hướng tới mục tiêu trong vòng 1-2 năm tới sẽ trở thành một trong 10 quốc gia đóng góp lớn nhất cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, từ vị trí thứ 17 hiện nay.
Tổng thống Yudhoyono cho biết Indonesia đã triển khai khoảng 2.000 nhân viên cho mục đích gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, và IPSC được xây dựng nhằm đào tạo lực lượng chuyên nghiệp bổ sung để có thể hoàn thành mục tiêu nói trên, đồng thời nhấn mạnh rằng IPSC không chỉ là cơ sở đào tạo dành cho các nhân viên Indonesia tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc mà còn cho cả các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Hồi tháng 3/2012 Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã đến thăm và có bài phát biểu tại IPSC.
Trung tâm này cũng đã tổ chức nhiều hoạt động quốc tế như cuộc diễn tập chung giữa Nhóm hoạt động đặc biệt Liên hợp quốc (UNSOG) và Các quan sỹ quan hậu cần Liên hợp quốc (UNLOG) với sự tham gia của tám nước hồi tháng 5/2012, hay cuộc diễn tập chung chống khủng bố sau đó một năm với sự tham gia của 10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và tám đối tác đối thoại của ASEAN, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, New Zealand, Nga, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản./.